BẢN TIN SỐ 29 - NGÀY 15-08-CANH TÝ- 2020
MỪNG ĐẠI LỄ VÍA ĐỨC PHẬT MẴU & LỄ HỘI YẾN DIÊU TRÌ

 

 

 

MỤC LỤC

 


 )
 )(
 __)_(__
 __(_____)__
(((_________)))
 )    ׀    (

 

 

 

 

 

 


 )
 )(
 __)_(__
 __(_____)__
(((_________)))
 )    ׀    (

 

 

 

 

 

 


 )
 )(
 __)_(__
 __(_____)__
(((_________)))
 )    ׀    (

 

 

 

 

 

 

 

 


 )
 )(
 __)_(__
 __(_____)__
(((_________)))
 )    ׀    (

 

 

 

 

 

 


 )
 )(
 __)_(__
 __(_____)__
(((_________)))
 )    ׀    (

 

 

 

 

 

 


 )
 )(
 __)_(__
 __(_____)__
(((_________)))
 )    ׀    (

 

 

 

 

 

 

 

 


 )
 )(
 __)_(__
 __(_____)__
(((_________)))
 )    ׀    (

 

 

 

 

 

 


 

Kính thưa Chư Hiền huynh, tỉ. đệ, muội thân ái,

Hình như việc hạn chế di chuyển trong đại dịch Covid-19, ảnh hưởng đến sự giảm tốc mọi sinh hoạt xã hội trong cuộc sống hàng ngày. Mọi người chúng ta, trong trạng thái e dè, ngờ vực với mọi đối tượng, ngay cả với chính bản thân mình. Tuy nhiên, vì sự cần thiết của Bản Tin, một phương tiện nối kết tâm tình, nhắc nhở, kêu gọi, truyền đạt... luôn bổ ích, không cho người nầy, thì cho kẻ khác, không phải là chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi !". Vì không ai biết hết mọi việc. Dẫu sao, con người vẫn có bản năng sinh tồn, phải phấn đấu duy trì nhu cầu vật chất và tâm linh cố hữu. Vả lại, việc phổ thông giáo lý Đại Đạo là bổn phận chính yếu của mọi Tín Đồ Cao Đài về phương diện lập ngôn.

Nhóm thực hiện Bản Tin, dù không chuyên, chỉ cầu mong chuyển đến bạn đọc lời Thầy dạy cho vị Tiền khai: "Thầy nói một lần, từ đây nhớ lấy, dầu cho đá, sắt, cây cỏ mà nghe đến Thánh Ngôn nơi Thầy mà con nói ra, cũng hoan nghinh, huống lựa là người, con nhớ và an lòng".

Bản Tin lần nầy thực hiện vào mùa Xuân của Nam Bán Cầu. Thời tiết mát dịu, cỏ cây đâm chồi nẩy lộc xanh tươi. Hy vọng, sau cơn mưa Trời lại sáng. Covid-19 từ từ lặng lẽ rút lui, theo lý Vô Thường bất biến, theo luật tuần hoàn của vũ trụ.

Chúng tôi cố gắng sưu tầm, chọn lựa những bài Thánh Ngôn, Giáo Lý dạy Đạo thích hợp và cần thiết cho việc trau giồi kiến thức, hầu khai mở tiến hóa cho tâm linh trong kiếp sanh may duyên gặp Đạo.

Chủ đề "Đại lễ Vía Đức Diêu Trì Kim Mẫu" được các bạn đạo tham gia chia sẻ qua nhiều tiết mục, một cách phong phú. Mời các bạn đọc hãy cùng nhà thơ Ái Nhân, tầm pháp "Tu Chơn" lần bước qua "Thuyền Tâm", để lắng nghe lời khuyên của Mẹ, trong "Tình Mẹ Đại Từ". Đến với Lê Phong trong "Món quà vô giá của Mẹ"; với Mộc Lan, nhớ ơn cha mẹ nhọc nhằn dưỡng dục, trong "Công đức sinh thành"; với Nguyên Chương trong sưu tầm "Gương Xưa". Đặc biệt, với các cây bút măng non từ ghế học đường, như Jennifer Trần, tìm tỉnh thức trong vườn Tây Vương Mẫu, ghi nhận tình Mẹ Thiêng Liêng đối với con cái Người, trong lễ "Mừng Vía Đức Phật Mẫu" (Anh Ngữ); với Vi Vu ca tụng bà Mẹ Trần Gian, hướng dẫn con cái trong việc tháo vác trên đường đời (Anh Ngữ), Uyên Trang không quên "Bánh Nhật" và "Nụ cười", sự quan trọng của "Nước" với Bác sĩ Nguyễn Ý Đức.

Ngoài ra, bạn đọc sẽ hình dung lại dư âm từng giọng đọc của Cố Nữ Q. Đầu Tộc Đạo Lê Thị Hồng Ngọc, trong ngày Đại Lễ Vía Đức Diêu Trì Kim Mẫu, năm 2016, tại Thánh Thất NSW, kèm bức lưu ảnh ghi dấu những mất mác vĩnh biệt đầy tiếc thương của vài ba gương mặt hiện diện trong buổi lễ.

Ban BT luôn mời gọi quý bạn đạo vui lòng đóng góp nhiều bài vở cho Bản Tin. Đồng thời, cũng hoan hỉ đón nhận mọi góp ý và chỉ giáo để sửa chữa các sai sót không thể tránh được.

Kính chúc Chư Hiền cùng toàn gia quyến khỏe mạnh và an vui.

BAN BIÊN TẬP

 

 


 

 

của Đức Hộ Pháp 


Tại Cửu Long Ðài, hồi 4 giờ ngày rằm tháng 8 Mậu Tý (1948).

LỄ HỘI YẾN DIÊU TRÌ

Cũng như mọi năm,chúng ta làm lễ Ðức Phật Mẫu Diêu Trì tưởng khi cả thảy trong Ðạo ngó thấy Bần Ðạo mặc Tiểu Phục đứng trước Cửu Long Ðài đều lấy làm lạ.

Thưa cùng cả thảy các bạn đồng sanh, trước mặt Phật Mẫu, Bần Ðạo thường nói: Người chỉ biết con cái của Người mà thôi, không phân đẳng cấp chẳng luận sang hèn.

Thưa cùng các bạn nam nữ, chúng ta ở giữa trường đời nầy, chịu thống khổ tâm hồn mọi nỗi, nhà Phật gọi cảnh trần nầy là khổ hải. Chúng ta ngó thấy hiện tượng trước mắt nhiều lẽ bất công, kiếp sống chúng ta sanh ra trong xã hội nhơn quần nầy, ta thấy cái tương quan nó làm cho chúng ta nhiều nỗi khổ não, buồn thảm hơn là ngày vui của hạnh phúc. Bần Ðạo cũng như các bạn thấy lẽ bất công, tinh thần ta chịu thống khổ nhau như nào phân biệt sang hèn đẳng cấp. Chúng ta đã thấy trường đời tranh đấu nhau, sang hiếp hèn, giàu hiếp nghèo, mạnh hiếp yếu, trí hiếp ngu, đã quên hết tình bạn đồng sanh, tức nhiên chúng ta đứng giữa trần hoàn nầy đồng chịu thảm khổ như nhau. Ta thường hỏi: Chúng ta có phương gì tìm mưu chước đặng an ủi tâm hồn ta chăng? Dầu cho mảnh hình thể cũng thế, mà tâm hồn cũng thế, chúng ta quá chịu thống khổ rồi. Ta tìm phương an ủi tâm hồn, ta không thể tìm được nơi bạn đồng sanh, chúng ta phải tìm một nơi an ủi thiêng liêng cho tâm hồn chúng ta chăng? Chỉ khác hơn là chúng ta về trong lòng của bà mẹ sinh sản thi hài và chơn thần chúng ta.

Các bạn có biết Phật Mẫu là ai? Ngài dùng bảy ngươn khí tạo chơn thần ta, tức nhiên tạo phách ta. Nhà Phật gọi là thất phách. Kỳ thật khí phách ấy làm chơn thần, tức là nhị xác thân chúng ta, khi chúng ta bỏ xác trần, xác Thiêng Liêng ấy vẫn còn tồn tại. Hình hài thay đổi đặng, văn hóa của ta mỗi kiếp mỗi tăng thêm, nhà Phật có nói: Nó có thể tấn tới hoặc trở lại hay đứng chừng mà thôi. Mỗi linh hồn đều mơ ước tấn tới mãi, tới đạt địa vị Thần, Thánh, Tiên, Phật. Nếu ngày nào ta tận thiện, tận mỹ và linh hồn ta có thể đạt vị đặng thì Phật Mẫu đủ quyền năng binh vực con cái của Người nơi cõi Hư Linh vậy.

Ấy vậy chúng ta có thể gởi tâm hồn dầu ở mặt thế, khi chúng ta quá vãng trở về nơi ấy, chúng ta chỉ sống đặng làm phận sự làm người, mà làm người chẳng phải dễ nữa. Nhưng chúng ta biết quyền năng vô hình định hồn cao cả, có thể cầm mực thước công bình không hề sai chạy được là Ðại Từ Phụ.

Bây giờ chúng ta thống khổ tâm hồn, ta tìm nơi đâu an ủi? Không có nơi nào khác hơn là chúng ta về cùng bà Mẹ Thiêng Liêng chúng ta.

Thưa cùng các bạn đồng sanh, sang hèn, giàu có thế nào cũng mặc. Người chỉ biết con cái của Người mà thôi. Dầu cho vạn vật, hễ đồng sanh với một Bà Mẹ Thiêng Liêng vẫn được coi đồng một mực. Bởi vì tình thương của Bà Mẹ chẳng có thế gì phân biệt thương ghét, trọng khinh. Ấy vậy Ðức Phật Mẫu là một Ðấng đem công bình tâm lý an ủi con cái của Người. Người nói: Những điều bất công trước mắt con, vẫn là kiếp sanh ngắn ngủi mà thôi. Mà chỉ trước mắt Mẹ mới đủ quyền đem sự công chánh khi họ bị áp bức. Duy có Mẹ giữ tâm công chánh vì lòng Mẹ thương yêu mà thôi.

Ấy vậy, một Ðấng gieo mảnh tâm lý nhơn sanh lấy luật thương yêu làm căn bản. Nếu thảng có bạn đồng sanh biết thương yêu con cái của Người vậy, thì những điều bất công trước mắt chúng ta, và chúng ta biết lòng thương yêu vô tận đối với các chủng tộc, các sanh mạng của con cái Người ấy là chúng ta trọn đạo. Sức hợp tinh thần tự an ủi lấy để được an vui, chịu cho đoạt khổ, rồi chúng ta chia khổ với nhơn loại, cầm quyền thế tài tình để rải truyền thêm ra nữa, cho cả thảy chủng tộc biết thương yêu nhau như một nòi giống. Ðem tình thương yêu ấy gieo truyền khắp dân tộc trên mặt địa cầu nầy, tôi tưởng sự bất công chúng ta ngó thấy giữa xã hội nhơn quần nầy tự nhiên sẽ tiêu diệt, ấy là tinh thần diệt trừ hung ác bạo tàn của đời đó vậy.

 

Phụ ghi:
Ngày âl. 15-08-Mậu Tý nhằm ngày (dl. 17-09-1948).

Trích từ Lời Thuyết Đạo của Đức Hộ Pháp Q.2 bài 46.◙

 

 

Đức Hộ-Pháp Thuyết Đạo tại Đền Thánh,
đêm 15 tháng 08 Năm Kỷ Sửu (06-10-1949).

... ... ...

Toàn Thánh Thể Đức Chí Tôn và con cái của Ngài rán để ý cho lắm: Từ khi Đạo bị bế Ngọc Hư Cung bác Luật, Cực Lạc Thế Giái thì đóng cửa nên chúng sanh toàn cả Càn Khôn Vũ Trụ có tu mà thành thì rất ít, bởi phương pháp khó khăn lắm, muốn đoạt Pháp không phải dễ.

Cổ Pháp định cho các chơn hồn về nơi Diêu Trì Cung hưởng được Hội Yến Bàn Đào tức nhiên hưởng được Hội Yến Diêu Trì, ăn được quả Đào Tiên, uống được Tiên Tửu mới nhập vô cảnh Thiêng Liêng Hằng Sống gọi là nhập tịch. Ôi thôi! Từ thử đến giờ có ai đặng hưởng, nếu có đặng hưởng cũng một phần rất ít.

Giờ phút này Đức Chí Tôn quyết định tận độ con cái của Ngài thay vì Bí Pháp ấy độ con cái của Ngài về nơi Kim Bàn Phật Mẫu đặng hưởng đặc ân Thiêng Liêng của Đức Chí Tôn.

Đức Chí Tôn buộc Phật Mẫu phải đến tại thế gian này để Bí Pháp Hội Yến Diêu Trì tại cửa Đạo này, cho con cái của Ngài giải thoát, ấy là một Bí Pháp Thiêng Liêng duy có tay Ngài định pháp ấy mới đặng.

Hôm nay là ngày Phật Mẫu đem Bí pháp đặng giải thoát chúng sanh, tận độ toàn Vạn linh sanh chúng, Ngài để tại mặt thế này trong cửa Đạo này mà thôi.

Hôm nay, ngày Lễ của Ngài mà là cũng ngày trọng hệ trong cửa Đạo; xin toàn cả con cái của Ngài nhớ và để nơi tâm mình, bởi thế năm nào Bần Đạo cũng để ý đến Lễ của Ngài hơn hết; từ tạo Thiên lập Địa đến giờ chưa có ai hưởng được thời kỳ này, Ngài đến tại mặt địa cầu 68 này đặng tận độ con cái của Ngài.

Chúng ta phải chiêm ngưỡng ơn vô biên vô tận của Ngài, chúng ta phải chiêm nghiệm Lễ này để làm mật niệm cám ơn Đức Chí Tôn và Phật Mẫu ấy là Bí Pháp của chúng ta đó vậy./.

Trích từ Lời Thuyết Đạo của Đức Hộ Pháp Bí Pháp Năm Kỷ Sửu (1949) bài 13.◙

 

 

 


 

 


 

15 Avril 1927 (Phú Nhuận)

THẦY, các con

Máy Thiên cơ các con chưa rõ, các con cứ tưởng lầm rằng Thầy không kềm chế kẻ vô lương đặng. Các con hằng muốn thấy kẻ ấy bị hành phạt nhãn tiền, thì mới vừa lòng các con. Nhưng Thánh ý Thầy không phải vậy đâu, Thầy đã nói cho các con hay trước rằng: Nếu các con không tự lập ở cõi thế nầy, là cái đời tạm của các con, thì Thầy cũng không bồng ẵm các con mà đỡ lên cho đặng. Ấy vậy cái vấn đề tự lập là vấn đề các con phải lo đó. Thầy vì công lý mà khai đạo cho các con, cũng là một phúc hạnh lớn cho các con. Nếu Thầy còn đưa tay bồng ẵm thì các con chẳng còn để ý chịu nhọc vì Ðạo. Thầy lại có nói rằng: Ngày nào các con, còn trông thấy một điều bất bình ở đời nầy, thì Ðạo chưa thành vậy.

Mối Ðạo Thầy đưa cho các con phăng đầu hết, thì các con phải biết trách nhậm các con lớn lao cao thượng là chừng nào – Nếu các con không biết nghĩa vụ của Ðạo, thì sao cho xứng đáng? Vậy Thầy khuyên các con cứ thìn lòng thìn nết, cho có trật tự trong Ðạo, thì tức nhiên muôn điều khó nhọc cũng tan như giá.

Các con vì Ðạo là việc công lý mà công lý đánh đổ cường quyền, thì Ðạo mới phải Ðạo. Các con hiểu à!

 

Phụ ghi: 15 Avril 1927
Việt ngữ: 15-04-1927 (âl. 14-03-Ðinh Mão).

Trích từ Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Q.1 bài 83 Thánh giáo dạy phải tự lập, đừng đợi Thầy bồng ẳm.◙

 

 

 

 

Cao Ðài tá thế đến phàm gian,
Bạch Ngọc Huỳnh Kim cũng chẳng màng.
Chiều lụy đòi phen xem quá tục,
Nghĩ không đổ lụy phải cười khan.

Cười khan mà khóc bởi thương bây,
Chẳng mất một con, nghiệt cả bầy.
Biết phận già không chờ chống gậy,
Nương theo con dại mới ra vầy.

Trích từ Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Q.1 Thi Văn Dạy Đạo.◙

 

 

 


 

 


    ĐỨC DIÊU TRÌ KIM MẪU

 

Phò loan:
Hộ Pháp - Tiếp Đạo

Trí Huệ Cung, đêm mùng 7 tháng Giêng năm Tân Mão (1951)

 

CAO THƯỢNG PHẨM

Chào Hộ Pháp, mấy em.

Tiếp Đạo, em nâng loan cho PHẬT MẪU giáng dạy nghe! Cười... viết không quen nên viết chậm Hộ Pháp và em để mắt đọc kỹ lưỡng.

 

DIÊU TRÌ KIM MẪU

MỤ mừng các Thiên Mạng.

HỘ PHÁP xin nghe...

Từ vô cực vào trong giới cảnh,
Mới để tâm so sánh Tiên Phàm.
Chẳng trừ ô trược dương gian,
Vì thương trẻ mới băng ngàn viếng thăm.

Vâng Thiên sắc độ phàm thoát tục,
Đóng Phong đô giải ngục đọa đày.
Máy linh cơ tạo nơi tay,
Giác mê cứu đám lạc loài nguyên nhân.

Nên ôm rải hồng ân khắp thế,
Bỏ ngôi linh gương huệ trau dồi.
Cõi Thiên định vị phân ngôi,
Vạn linh gặp hội phục hồi thiện duyên.

Con đã nắm lái thuyền Bát nhã,
Đủ quyền hành giải quả diệt căn.
Nguyên linh dầu đặng cao thăng,
Nơi Cung Trí Huệ làm đàng thiện duyên.

Từ khi sợ để khuyên buổi trước,
Nay duyên may, mừng được con nên.
Chừ nay đã toại thửa nguyền,
Độ sanh vững nắm chơn truyền Chí Tôn.

Đã thấy nẻo Thiên môn rộng mở,
Hội Long Hoa rỡ rỡ soi đời.
Nhập vào Thiên Hỉ an nơi,
Cõi Tiên cảnh Tục một vời không xa.

Con đã biết quyền Già cùng Trẻ,
Mạng Chí Tôn đã để đủ phương.
Cứu nguy độ khổ là thường,
Vì rằng Bát phẩm chơn hồn MỤ sanh.

Hể làm Mẹ quyền hành dạy trẻ,
Con đừng lo mạng Thế thi Phàm.
Huyền linh Mẹ chụi phần cam,
Ban cho con trẻ vẹn toàn pháp môn.

Độ cho hết các Hồn Địa giới,
Độ vong linh từ ngoại Càn Khôn,
Cửa linh cắm phướn chiêu hồn, (*)
Độ trong Cửu Nhị Nguyên Nhân nhập trường.

Các chủng tộc còn đương tầm ngõ,
Soi huệ quang cho rõ cửa Thiên.
Máy linh để sẵn diệu huyền,
Giải căn đợi kẻ hữu duyên định phần.

Con nên vui phận an thân...

Tiếp Đạo đọc lại cho toàn Nam Nữ, con của Mụ nghe rằng: "Mụ để lời chào mừng nó".

THĂNG

 

Phụ ghi: (*) Nguyên bản in: Cửa linh cấm phướn chiêu hồn,

Trích từ Trí Huệ Cung - Phạm Môn tái bản ngày 15 tháng 9 năm Quí Sửu (1973) trang 28-29: Thánh giáo: Đức Diêu Trì Kim Mẫu đêm mùng 7 tháng Giêng năm Tân Mão (1951).◙

 

 

 

 

Mở rộng đường mây rước khách trần,
Bao nhiêu tình gởi nhắn nguyên nhân.
Biển Mê Cầu Ngọc liền phàm tục,
Cõi Thọ Sông Ngân tiếp Đảnh Thần.
Chuyển nổi Càn Khôn xây Vũ Trụ,
Nhẹ nâng Nhựt Nguyệt chiếu Ðài Vân.
Cầm gươm Huệ chặt tiêu oan trái,
Điều độ quần sinh diệt quả nhân.

Bát Nương

 

Trích từ Trí Huệ Cung - Phạm Môn tái bản ngày 15 tháng 9 năm Quí Sửu (1973) trang 27.◙

 

 

Khảo dị: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Q.2 - Thi Văn Dạy Đạo bài 40 có sự khác biệt như sau:

 

TNHT-TVDĐ-bài 40

Trí Huệ Cung trang 27

Câu 2:

... tình gợi...

... tình gởi...

Câu 3:

... liên phàm tục...

... liền phàm tục...

Câu 4:

... tiếp đảnh Tần

... tiếp Đảnh Thần.

Câu 5:

... xây võ trụ.

... xây Vũ Trụ.

Câu 8:

Dìu độ quần sanh...

Đìều độ quần sanh...

 

 


 

 


 

31 Décembre 1925

A.Ă.Â

Ba con thương Thầy lắm há?

Con thấy đặng sự hạ mình của A.Ă. như thế nào chưa? Con có thấy thấu đáo cái quyền năng của Thầy chưa? Người quyền thế nhứt như vậy có thể hạ mình bằng A.Ă. chăng?

A.Ă. là Thầy.

Thầy đến con thế ấy, con thương Thầy không?

Cao Quỳnh Cư bạch: - Thấy nhơn sanh chưa rõ sự huyền diệu của Thầy, họ nói phạm thượng, ba con binh vực Thầy, ba con cãi vã với họ.

Thầy biết ... Cười ...

Sự nhỏ nhẹ của Thất Nương đó, con bằng mảy mún gì chưa? Học hỏi sự nhỏ nhẹ ấy.

Sự cao kỳ của Lục Nương, con có đặng mảy mún gì chưa? Học sự cao kỳ ấy.

Sự nhân đức của Nhất Nương, con có chút đỉnh gì chưa? Phải học nhân đức của Nhất Nương.

Tình nghĩa yêu mến của con có bằng Bát Nương không? Phải học.

Phải học tình nhân ái, trung tín, cứu giúp của ba con có đặng như Cửu Thiên Nương Nương chăng? (1) Phải học gương.

Sự kính nhường ba con có bằng Cửu Nương chăng? Phải học.

(1) Cửu Thiên Nương Nương là Ðức Phật Mẫu.

 

31 Decembre 1925

ST PIERE

Thiên đàng giữ cửa góc Trời Tây,
Truyền Ðạo cho dân biết mặt Thầy.
Cứu chuộc đã gần đôi ngàn tuổi,
Cao Ðài phú thác dắt dìu bây.

 

Trích từ Đạo Sử Quyển I: ÐẠO SỬ XÂY BÀN Năm Ất Sửu (1925) bài 22. Ngày 31-12-1925 (âl. 16-11-Ất Sửu): Ðức Chí Tôn tá danh A.Ă. xưng danh THẦY & Thánh St Piere thi.◙

A.Ă.Â: Trong đạo Cao Đài, trước khi khai Đạo, Đức Chí Tôn, Ngọc Hoàng Thượng Đế giáng điển xuống các buổi xây bàn để tiếp xúc và cảm hóa các bậc tiền khai nền Đại Đạo, Ngài tạm mượn danh xưng là A Ă Â trong khoảng thời gian từ tháng 7 năm 1925 đến tháng 12 năm 1925.

Tham khảo thêm:

http://caodaiebook.net/TuNgu-DienCo-CaoDai(v2018)/TuNgu-DienCo-CaoDai_A.htm#A_A_A_002

http://caodaiebook.net/CaoDaiTuDien(v2012)/cdtd-van_A.htm#A_A_A

 

 


 

 

của Ngài Hiến Pháp Đại Diện ĐỨC THƯỢNG SANH
Nhơn dịp Lễ Bế Mạc Đại Hội Phước Thiện -
Ngày 21 Tháng 7 Năm 1967.

 

Kính thưa toàn Hội Nam Nữ,

Nhơn danh HỘI THÁNH và ĐỨC THƯỢNG SANH tôi xin vắn tắt đôi lời ngỏ cùng toàn hội.

Kính thưa quí vị,

Mấy tháng qua, Hội Thánh cũng như Chức Sắc và Chức Việc Nam Nữ đã lao tâm tiêu tứ rất nhiều để lo tròn nhiệm vụ trong kỳ Đại Hội nầy. Cái tinh thần phục vụ ấy đáng ghi và đáng khích lệ vậy.

Đại Hội được kết thúc trong vòng trật tự và trong bầu không khí vui tươi êm đẹp làm cho tất cả đều hân hoan và phấn khởi tinh thần. Đó cũng nhờ tấm lòng thiện niệm và sự hiểu biết của toàn hội Nam Nữ.

Trong Đạo, nhứt là trong Hội Thánh Phước Thiện còn nhiều vấn đề phức tạp cần phải giải quyết, chẳng hạn như việc lập thêm các sở lương điền công nghệ và khuếch trương kinh tế để cho các Đạo Sở có nơi lập công bồi đức và để thực hành chủ nghĩa cứu khổ phò nguy vì đó là sứ mạng đặc biệt của Cơ Quan Phước Thiện. Ngoài ra, còn nhiều Chức Sắc vì hoàn cảnh riêng không làm tròn nhiệm vụ theo sự qui định của Đạo Luật mà phải bị đình đãi việc cầu thăng.

Tuy nhiên, Hội Thánh vẫn thông cảm hoàn cảnh ấy và cũng sẽ giúp cho Cơ Quan Phước Thiện tạo lập nhiều cơ sở cung ứng cho nhu cầu và để xây dựng nền tảng Phước Thiện cho ra thiệt tướng cho nhơn sanh hưởng nhờ ân huệ. Như vậy mới làm sáng tỏ ý nghĩa Phước Thiện của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ và chừng ấy, cái công nghiệp của Chức Sắc Phước Thiện mới đầy đủ và sự thăng thưởng mới có giá trị xứng đáng.

Hội Thánh cũng hiểu rõ tình cảnh của những Chức Sắc và Chức Việc bị thiệt thòi vì thiếu cơ sở để lập công trong cửa Đạo nên phải ở tư gia mà đóng tiền công quả để kể công nghiệp cầu phong cầu thăng.

Tuy làm như vậy là bất hợp pháp nhưng xét theo tình lý thì thể lệ ấy do Hội Thánh Phước Thiện tạo ra, chớ không phải lỗi tại chư Chức Sắc và Chức Việc. Vì vậy nên Hội Thánh sẽ còn cứu xét lại và nếu không giải quyết được thì sẽ thỉnh giáo ĐỨC HỘ PHÁP định vị cho các Chức Sắc ấy được nhờ.

Theo Đạo Luật Mậu Dần (1938) thì phẩm Hành Thiện muốn thăng Giáo Thiện ngoài 3 năm công nghiệp còn phải nuôi đủ 12 gia tộc mới đặng.

Tuy nhiên, Bộ Pháp Chánh cũng nhận thấy vì hoàn cảnh mà chư vị Hành Thiện chưa làm tròn nhiệm vụ ấy đặng, nên cũng còn cứu xét lại và sẽ yêu cầu Hội Thánh Hiệp Thiên Đài, thỉnh giáo ĐỨC HỘ PHÁP vì Thánh Giáo ĐỨC NGÀI đêm 16 tháng 11 Ất Tỵ dạy như vầy:

“... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ... ...”.

“Bần Đạo vì thương tình của các Chức Sắc nhỏ ở vào hoàn cảnh phức tạp không thể nuôi 12 gia tộc nên mới chế giảm luật lệ ấy. Nhưng nếu cứ thi hành thế mãi, thì vấn đề Phước Thiện sẽ mất ý nghĩa của nó. Nên Bần Đạo buộc phải trở về chế độ cũ là phải nuôi đủ 12 gia tộc rồi mới xứng đáng làm anh của chúng sanh.

Vậy phải đình việc cầu thăng Hành Thiện lên Giáo Thiện và phải chờ Bần Đạo định phận sau”.

Vì lẽ ấy mà chúng ta còn ước mong ĐỨC NGÀI từ bi quan cố đến các vị Hành Thiện mà định phận cho họ càng sớm càng tốt.

Kính thưa toàn hội,

Rồi đây chúng ta sẽ chia tay nhau kẻ Nam người Bắc, các bạn sẽ trở lại địa phương mình để tiếp tục phận sự đã tạm ngưng vì Đại Hội. Tôi tin rằng với những kinh nghiệm đã thâu thập được trong kỳ Đại Hội vừa qua, các bạn sẽ giúp ích cho Đạo được nhiều kết quả khả quan hơn nữa.

Vậy nhơn danh Hội Thánh, tôi xin cầu nguyện ơn trên Đại Từ Phụ và Đại Từ Mẫu ban phước lành cho các bạn thượng lộ bình an và gặp nhiều may mắn, gia đình các bạn đủ đầy hạnh phúc.

Đến đây tôi xin long trọng tuyên bố bế mạc buổi hội.

Nam Mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.

HIẾN PHÁP

 

Trích từ Huấn Từ của Ngài Hiến Pháp Hiệp Thiên Đài, bài 11 trang 40-41.
Bản in ronéo 1970 do Phan Thanh Liêm và Huỳnh Văn Chợ thực hiện.◙

 

 

ĐẠO ĐỜI TƯƠNG ĐẮC

Đạo Đời tương đắc cứ như nhiên,
Đời Đạo đôi bên nắm vững quyền.
Đạo đắc nhơn tâm, Đời đắc sách,
Đời do dân ý, Đạo dân quyền.
Ái hòa Đạo dụng làm căn bản,
Nhân nghĩa Đời toan giúp phổ truyền.
Đời Đạo tương liên gieo Thánh đức,
Nhơn sanh an hưởng cảnh Thần Tiên.

***

Ba đào sóng bủa bởi thuyền to,
Lèo lái kiên gan vững phận trò.
Nẻo tắt đường quanh bền sức chống,
Sông sâu biển thẳm gắng công dò.
Lướt dòng cậy có nhiều thần lực,
Quá hải nương nhờ bóng tự do.
Bến tục thuyền từ dìu độ chúng,
Đưa vào nguồn sống khỏi tò mò.

THÂN DÂN

Trích từ Cao Đài Từ Điển Soạn giả: Hiền Tài Nguyễn Văn Hồng bút hiệu ĐỨC NGUYÊN
http://caodaiebook.net/CaoDaiTuDien(v2012)/cdtd-van_H.htm#Hien_Phap_Truong_Huu_Duc

 

 


 

 

CÁC CON LÀ THẦY, THẦY LÀ CÁC CON


 

Thánh giáo ngày 13 tháng 6 Bính Dần 22-7-1926.

“Bậc chơn tu tỉ như một hột giống tốt, hễ gieo xuống thì cây lên, cây lên thì trổ bông, trổ bông rồi sanh trái mà biến biến sanh sanh càng tăng số”.

Lấy một hột giống cây ăn trái gieo trồng, chừng cây có trái, gây giống trồng nữa, hết lớp nầy tới lớp khác, số trái càng tăng thêm hoài. Mỗi lần lấy hột mà gieo, thì trái chứa hột giống phải hư hoại.

“Vì vậy mà các con phải bỏ xác trần, mà bông trái thiêng liêng các con sanh hóa chơn thần, chơn thần lại biến hằng muôn thêm số tăng lên hoài. Ấy là Ðạo”.

Những lời vàng ngọc của Chí Tôn và của các đấng thiêng liêng qua nơi miệng các bậc tiền bối giảng dạy chúng ta, chúng ta lấy những lời ấy đem truyền lại cho kẻ hậu lai, những lời ấy tức là bông trái thiêng liêng của các bậc tiền bối. Còn chúng ta đứng giảng dạy đây là những người thay thế, là hình ảnh, là chơn thần của các bậc tiền bối. Bông trái thiêng liêng sanh hóa chơn thần là vậy đó. Quí vị nên hiểu sức biến hóa của chơn thần mạnh là dường nào!

Kìa như Đức Khổng Tử đã mất, tính có hơn hai mươi thế kỷ, mà các môn nhơn cửa Khổng, kẻ trước người sau, tiếp nối truyền bá tư tưởng của Ngài cho đến ngày nay. Bông trái thiêng thiêng của Ngài vẫn còn sanh hóa.

“Một chơn thần Thầy mà sanh hóa thêm chư Phật, chư Tiên, chư Thánh, chư Thần và toàn cả nhơn loại trong Càn Khôn Thế Giới, nên chi các con là Thầy, Thầy là các con”.

Không phải Thầy trực tiếp sanh Thần Thánh Tiên Phật. Thần, Thánh, Tiên, Phật phải trải qua không biết mấy mươi đời kiếp làm người mới đến địa vị Thần, Thánh, Tiên, Phật.

“Có Thầy mới có các con, có các con rồi mới có chư Thần, Thánh, Tiên, Phật”. (Thánh giáo 15 tháng 9 Bính Dần 24-10-1926).

Buổi đầu, Đạo mới phôi thai, chưa có mấy người. Phần truyền giáo, có người hãy còn bỡ ngỡ, rụt rè, khi phải đứng lên thuyết đạo.

Một hôm Thầy gọi cụ Lê Văn Trung mà rằng: (lúc bấy giờ Đức Quyền Giáo Tông chưa đắc phong phẩm vị) “Trung, đã thọ mạng nơi Thầy, con đi đâu Thầy theo đó. Lời đạo đức trong miệng con nói ra, ấy là lời của Thầy bố hóa tập trí con đặng đi truyền Ðạo; tùy cơ mà dạy kẻ, một mình con đâu đủ sức phục người. Chẳng luận là Nam hay Nữ, bất kỳ là nước nào, nó muốn biết đạo lý, con phải độ, biểu chúng nó đến nghe Thầy dạy, mới có thế nó tu hành đặng, trước con không nên buộc chúng nó lắm.

Thầy nói một lần từ đây nhớ lấy, dầu cho đá, sắt, cây cỏ, mà nghe đến Thánh ngôn nơi Thầy mà con nói ra, cũng hoan nghinh, huống lựa là người, con nhớ và an lòng.

Thầy đã hằng ngày nói với con rằng: Muôn việc chi Thầy đã bố hóa vào lòng con. Như con tính điều chi, tức Thầy đã định rồi”.

Thì ra, lúc nọ, nơi nào, chỗ nào có cụ Lê đến, tức là có Thầy đến. Những lời đạo đức cụ Lê nói ra tức là lời của Thầy. Cụ Lê tính lo làm những điều gì là do Thánh ý Thầy. Cái nghĩa “các con là Thầy, Thầy là các con” là vậy đó.

Quí vị nên suy nghĩ, xem Thầy đương thời lập đạo, theo con cái, dìu từ bước, dạy từ lời, dặn từ việc, không lúc nào ngơi, chính là ông cha lành thương con không biết đến đâu là cùng, hằng trông nom con, từng ly từng tí, không việc gì là không dạy bảo, không nhắc nhở. Chúng ta rất may mắn được Đại Đạo khai sáng tại nước nhà. Nếu ta không bươn bả mà lo đường tu học, để ngày tháng trôi qua, tuổi không đợi chờ, ta lỡ chuyến đò đưa đến bờ bên kia, thật là uổng cho một kiếp sanh ở thế, là vì tu được cùng không là ở nơi kiếp nầy mà thôi.

Còn như nói “Dầu cho đá, sắt, cây cỏ, mà nghe đến Thánh ngôn nơi Thầy mà con nói ra, cũng hoan nghinh, huống lựa là người” đó là Thầy dặn ta hãy chú trọng Thánh ngôn cho lắm.

Thật vậy, lời Thầy dạy là lời vàng ngọc, là lời của Thánh nhân. Nó có mãnh lực quyến rủ, hấp dẫn, cảm hóa rất mực, không thể tưởng tượng, mầu nhiệm làm sao, bặt đường ngôn ngữ cho đến đổi sắt đá cây cỏ, nếu có tri giác cũng hoan nghinh, huống lựa là người.

“Đạo Thầy tức là các con, các con tức là Thầy”.

Thầy lập Đại Đạo kỳ ba, khác hơn mấy lần trước.

Thánh giáo (24-4-1926) “Thầy nhứt định đến chính mình Thầy độ rỗi các con, chẳng chịu giao Chánh Giáo cho tay phàm nữa. Nhưng mà buộc phải lập Chánh Thể, có lớn nhỏ đặng dễ thế cho các con dìu dắt lẫn nhau, anh trước em sau mà đến nơi Bồng Ðảo”.

Vì vậy mà Thầy chọn trong hàng Tín đồ một số người, phong phẩm tước có đẳng cấp cao thấp, khác nhau, mỗi người có một nhiệm vụ về phần Đạo cũng như về phần Đời, tạo thành một khối làm Thánh Thể của Thầy, mỗi chức sắc là một phần tử của Thánh Thể. Ngoài tổ chức Chánh Trị Đạo, giáo hóa nhơn sanh, dưỡng nuôi quan quả cô độc, làm những việc từ thiện như chẩn tế bố thí, cấp táng, mỗi chức sắc có nhiệm vụ chung là thay thế Thầy phổ thông chơn đạo. Nói nôm na chức sắc là tay chơn của Thầy. Vì vậy “Đạo Thầy tức là các con, các con tức là Thầy”.

Toàn thể Hội Thánh tượng trưng Thánh Thể hữu hình của Thầy tại thế. Mỗi chức sắc phải cẩn thận, gìn giữ đừng làm hoen ố Thánh Thể. Mọi hành động phi nhơn phi đạo, làm nhẹ phẩm cách con người, lại bôi nhọ Thánh Thể, để một vết nhơ nơi trang sử Đạo.

Phải biết rằng thay thế Thầy, gánh vác việc Đạo, không phải là người thường theo thế tình, phải là người xuất thế, có những đức tính như là: nhẫn nại, cương trực, nhân ái, công bằng, hy sinh, từ bi, hỷ xả.

Gặp thời bình, thân mình được hiển đạt chừng nào, thì làm cho Đạo được phát triển chừng nấy. Lúc loạn ly phải biết tùy cơ ứng biến, thân không lìa Đạo, đạo cũng không lìa thân, không bao giờ bỏ đạo mà chạy theo người.

Ai là người thành thật có nhiệt tâm với Đạo, hãy giữ danh thể của Đạo, làm cho người đời tôn trọng Đạo, đừng để cho Đạo bị người đời khinh rẻ.

Lấy câu “Các con là Thầy, Thầy là các con” làm câu nhựt tụng để khắc kỷ, trở về với lẽ phải, thuận theo thiên ý.

Ai còn làm càng, làm bậy thì đâu xứng đáng “các con là Thầy”.

Ai còn làm những việc trái tai gai mắt, làm sao nói được “Thầy là các con”.

4-10-1972

HIẾN-ĐẠO

 

Trích từ TIẾNG GỌI của Ngài Hiến Đạo Hiệp Thiên Đài, trang 66-69.
Bản in ronéo 1973 do Chức Sắc và Nhân Viên văn phòng Hiến Đạo thực hiện.◙

 


 

 


Tiểu Sử Xây Bàn & Tích Hội Yến Diêu Trì

 

 

Tiểu Sử Xây Bàn

ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ÐỘ
(Ðệ Tứ Niên)
TÒA THÁNH TÂY NINH

——————————————

TIỂU SỬ

Thượng tuần tháng 6 năm Ất Sửu (1925) ông CAO QUỲNH CƯ đến nhà ông CAO HOÀI SANG thăm chơi, để cùng ông Cao Hoài Sang và ông PHẠM CÔNG TẮC hàn huyên tình đời thế sự, vì ông Phạm Công Tắc cũng ở gần nhà ông Cao Hoài Sang bên cạnh chợ Thái Bình dãy phố hàng Dừa Sài Gòn.

Hết hồi đàm đạo với chén trà câu thơ, giờ càng khuya, ông Cao Quỳnh Cư dường như có Thần linh thúc giục hay vì linh tánh kích động mới nghĩ ra việc xây bàn tiếp xúc với các vong linh khuất mặt, thì hai ông Phạm Công Tắc và Cao Hoài Sang cũng đồng tình hưởng ứng.

Ba ông mới đem ra trước hiên một cái bàn vuông bốn chân (1) rồi cả ba đồng để tay lên bàn; chưa mấy phút thì cái bàn rung chuyển liền một cách nhẹ nhàng và nhanh chóng, dường như hăm hở lắm vậy.

Tiếp đó bàn bắt đầu nhịp chơn gõ chữ. bàn gõ một tiếng các ông đọc A, hai tiếng đọc B, cứ như vậy đến khi bàn ngưng lại tại chữ gì thì lấy chữ đó, và cứ như vậy ráp vần thành ra chữ và thành câu có ý nghĩa.

Ðêm ấy có nhiều vong linh nhập bàn viết tiếng Anh, Pháp và Hoa, cũng có vong linh học sinh Hà Nội viết tiếng Việt Nam.

Buổi xây bàn đêm ấy là lần đầu tiên, có lẽ là có chư vong muốn nhập và tranh nhau nói chuyện nên làm xáo trộn, cái bàn gõ khi chững chàng, khi lựng khựng, làm cho ba ông càng ngạc nhiên lại thêm chán nản nhứt là ông Cao Quỳnh Cư nghi rằng có hồn ma hay ngạ quỉ vô phá phách, liền đó ông đề nghị không tiếp nhận các vong linh đó và đồng cùng hai ông ngưng việc xây bàn.

Qua đêm sau, nhằm ngày 6 tháng 6 Ất Sửu (26-07-1925) ba ông lại tiếp tục xây bàn nữa, vì tánh ba ông cũng hiếu kỳ muốn hiểu rõ hiện tượng kỳ lạ này coi tại sao cái bàn linh động nhanh nhẹ và viết thành chữ nhiều thứ tiếng, và có ý nghĩa nữa.

Ðêm nay ba ông không gặp trở ngại nào mà lại tiếp đặng một bài thi bát cú, tự thuật:

 

Thi

 

Ly trần tuổi đã quá năm mươi,
Mi mới vừa lên ước đặng mười.
Tổng mến lời khuyên bền mộ chép,
Tình thương căn dặn gắng tâm đời.
Bên màn đôi lúc trêu hồn phách, (2)
Cõi thọ nhiều phen đặng thảnh thơi.
Xót nỗi vợ hiền còn lụm cụm,
Gặp nhau nhắn nhủ một đôi lời.

Ký tên: Cao Quỳnh Tuân (Thiên Ðình)

Cao Quỳnh Tuân chính là phụ thân của ông Cao Quỳnh Cư, ly trần hơn 25 năm về trước.

Ðọc tới câu thứ bảy ông Cao Quỳnh Cư quá mủi lòng cảm động, lúc nầy hai ông Phạm Công Tắc và Cao Hoài Sang cũng bùi ngùi; ông Cao Quỳnh Cư vội thốt: Thưa Thầy (3), ngày mai con nấu một mâm cơm cúng, con kính thỉnh Thầy về chứng lòng thảo của con. Vong linh nhập bàn, liền chuyển cái bàn, ngỏ ý khứng lời mời của con và kế đó vong xuất.

Sau khi tiếp đặng bài thơ Ðường luật, vừa cao sâu vừa thâm thúy vì quá hiển hích đúng với lời của một từ phụ nhắn nhủ lại cùng con, tinh thần trí não của ba ông càng thêm bấn loạn, vừa ngạc nhiên, vừa cảm phục văn chương và ý nghĩa bài thơ.

Qua đêm mùng 10 tháng 06 Ất Sửu (30-07-1925), nghĩa là bốn đêm sau, ba ông cũng họp lại tại nhà ông Cao Hoài Sang mở cuộc xây bàn nữa, kỳ này cái bàn lay chuyển một cách khoan thai, dịu dàng đoán chừng như bóng dáng của một vị Tiên Nga hạ trần, thì ra lời đoán không sai vì đó là vong linh một Nữ linh giáng Ðàn cho thi.

 

Thi

 

Nỗi mình tâm sự tỏ cùng ai?
Mạng bạc còn xuân uổng sắc tài.
Những ngỡ trao duyên vào ngọc các,
Nào dè phủi nợ xuống tuyền đài.
Dưỡng sinh cam lỗi tình sông núi,
Tơ tóc thôi rồi nghĩa trúc mai.
Dồn dập tương tư oằn một gánh,
Nỗi mình tâm sự tỏ cùng ai?

Ký tên: Ðoàn Ngọc Quế

Cũng trong đêm nầy chúng tôi hỏi cô Ðoàn Ngọc Quế đau bệnh chi mà thác, cô cho hai bài thi tiếp theo:

 

Trời già đành đoạn nợ ba sinh,
Bèo nước xẻ hai một gánh tình.
Mấy bữa nhăn mày lâm chước quỉ,
Khiến ôm mối thảm lại Diêm Ðình.

 

***

 

Người thời Ngọc mã với Kim đàng,
Quên kẻ dạ đài mối thảm mang.
Mình dặn lấy mình, mình lại biết,
Mặc ai chung hưởng phận cao sang.

Ba ông họa bài thi bát cú của Ðoàn Ngọc Quế dưới đây:

 

Họa vận

 

Ngẩn bút hòa thi tủi phận ai,
Trời xanh vội lấp nữ anh tài.
Tình thâm một gánh còn dương thế,
Oan nặng ngàn thu xuống dạ đài.
Ðể thảm xuân đường như ác xế,
Gieo thương lữ khách ngóng tin mai.
Hềm gì chưa rõ đầu đuôi thế,
Ngẩn bút hòa thi tủi phận ai.

Phạm Công Tắc

 

***

 

Rằng liễu khóc oanh có mấy ai,
Mộ người quốc sắc đấng thiên tài.
Nhìn văn độ phẩm hàng khuê các,
Xót bạn tri âm cõi dạ đài.
Ngàn dặm hoa trôi sầu cụm trước,
Một mồ cỏ loáng ủ nhành mai.
Cửu tuyền hồn Quế linh xin chứng,
Rằng liễu khóc oanh có mấy ai.

Cao Quỳnh Cư

 

***

 

Nửa chừng xuân gãy tủi thân ai,
Nông nổi nghĩ thôi tiếc bấy tài.
Ngọc thốt dám bì trang tuấn kiệt,
Vàng rơi riêng chạnh khách Chương đài.
Những ngờ duyên thắm trao phòng Bích,
Hay nỗi xương tàn xủ giậu mai.
Một dải đồng tâm bao thuở nối,
Nửa chừng xuân gãy tủi thân ai.

Cao Hoài Sang

Ông Cư hỏi: Ðoàn Ngọc Quế hồi còn tại thế xứ ở đâu?

Ðáp: ... ... Ở Chợ Lớn.

Hỏi: ... ... Cô học ở đâu?

Ðáp: ... ... Học ở trường Ðầm.

Bữa sau ông mời ông Phạm Công Tắc và ông Cao Hoài Sang ra nhà ông xây bàn (xây ghế) đặng mời Ðoàn Ngọc Quế về dạy làm thi. Ba ông cứ hỏi cô Ðoàn Ngọc Quế những việc Thượng giới thì cô cũng khứng giải cho hiểu việc Thiên cơ chút ít, nhờ cô Ðoàn dùng huyền diệu độ ba ông và bố trí cho ba ông ham việc Thiên cơ hơn trần thế.
Ban ngày làm việc, ba ông trông mau tối để thỉnh bàn ra trước hàng ba, tắt đèn điện phía trước đặng cầu hỏi Cô Ðoàn những việc cõi trên, và mỗi đêm mỗi cầu cô về giải nghĩa mấy bài thi. Khi thì cô giáng, có bữa các Ðấng giáng. (Xin xem tới mấy trang sau, có bài thi của quí cô và các Ðấng cho, mà có giải nghĩa và dạy nhiều điển tích rất cao siêu nhiệm mầu).

Ðoàn Ngọc Quế gọi ông Cư là Anh Cả, ông Phạm Công Tắc là Nhị Ca, ông Cao Hoài Sang là Tam Ca, cô để cô là em thứ tư (Tứ Muội).

Ý tứ bài thơ của cô Ðoàn Ngọc Quế lạ thường hay lắm thật là tuyệt bút.

Nhớ lại hồi hạ tuần tháng 7 năm Ất Sửu (1925), ba ông thỉnh bàn ra (lúc này hơi in như say Ðạo) tính xây bàn cầu cô Ðoàn về dạy văn thi, ba ông để tay thì dở bàn lên bổng có một ông giáng, tôi hỏi tên gì, thật rất lạ ... ... xưng là A.Ă. gõ làm một bài thi dưới đây:

 

Thi

(Chí Tôn đến xưng là A.A.Â)

 

Ớt cay cay ớt gẫm mà cay,
Muối mặn ba năm muối mặn dai.
Túng lúi đi chơi nên tấp lại,
Ăn bòn chẳng chịu tấp theo ai.

Ông Phạm Công Tắc nghe dứt câu liền nói với ông Cư rằng: - Thôi anh, ai đâu mà nói tiếng gì khó nghe quá, sao lại không có tên xưng là A.Ă.Â.

Ông Cư nói với ông Phạm Công Tắc: - Ậy, em ngồi lại cho qua hỏi, vị nầy không phải tầm thường đâu em.

Ông Cư hỏi: - Ông A.Ă. mấy chục tuổi?

Ông A.Ă. gõ bàn, đếm hoài không ngưng, đếm đến mấy trăm cái mà cũng không thôi. Liền đó ông Cư ngưng lại không dám hỏi nữa, và kiếm hiểu ông nầy ở trển chắc lớn lắm.

Từ đó về sau có vị nào giáng cho thi thì ông cầu ông A.Ă. xin giải nghĩa.

Lối cuối tháng 7 năm Ất Sửu (1925) ba ông hỏi cô Ðoàn Ngọc Quế rằng: Em còn có chị em nào nữa biết làm thi em mời giùm, nói ba anh em qua có lòng ngưỡng mộ học làm thi, xin cầu khẩn quý cô đến dạy ba anh em qua làm thi. Cô Ðoàn Ngọc Quế trả lời: Có chị Hớn Liên Bạch, Lục Nương, với Nhứt Nương làm thi hay lắm.

Ba ông rất mừng, nên tính mời quý cô ngày Rằm Trung Thu, vì là ngày tiết trăng thanh gió mát, ngày ai cũng thích đi ngoạn cảnh ngắm trăng (chưng cộ đèn).

 

Tích Hội Yến Diêu Trì: Rằm tháng 8 năm Ất Sửu (dl. 01-09-1925).

TÍCH HỘI YẾN DIÊU TRÌ

Cô Ðoàn Ngọc Quế dạy ba ông rằng: Ba anh muốn cầu thì ngày đó ba anh phải ăn chay, cầu mới được (ba ông vâng lệnh cô Ðoàn ngày cầu ba ông ăn chay).

Ngày qua tháng lại tới ngày Rằm tháng 8 năm Ất Sửu (Le 1er Septembre 1925). Ngày Rằm lập bàn hương án chưng những hoa thơm trầm trọn ngày (nhà không tiếp khách nào hết, nhà ở đường Bourdais 134 Sàigòn, nay là đường Calmette).

Ba ông vọng bàn cầu khẩn thắp hương thơm từ 10 giờ đêm tới giờ Tý, xông trầm hương thành tâm cầu quý cô lối năm phút thì có bốn cô giáng cho một bài thơ dưới đây:

 

Im lìm cây cỏ vẫn in màu,
Mờ mệt vườn xuân điểm sắc thu. (4)
Gió dậy xao trời mây cuốn ngọc,
Sương lồng ướt đất liễu đeo châu.
Ngựa vàng ruổi gió thoi đưa sáng,
Thỏ ngọc trau gương đậm vẻ làu.
Non nước đìu hiu xuân vắng chúa,
Nhìn quê cảnh úa giục cơn sầu.

Lục Nương

 

(Mối ăn hết ba bài thi).

Ít bữa sau ba ông cầu ông A.Ă. giải nghĩa câu thi của Lục Nương câu thứ năm và câu thứ sáu:

Ngựa vàng ruổi gió thoi đưa sáng,
Thỏ ngọc trau gương đậm vẻ làu.

A.Ă.Â: Trường quang ánh sáng mặt trời.

Kim Mã, Ngọc Thố:

Kim Mã: Ngựa vàng là mặt trời. Ngọc Thố: Thỏ ngọc là mặt trăng.

Thi văn lựa hai thú ấy mà chỉ mặt trời và mặt trăng, vì hai thú ấy chạy mau, con này rượt con kia, hết ngày tới đêm, hết đêm tới ngày, chỉ là ngày giờ qua mau rất lẹ.

Thi văn cũng dùng Kim Mã quá song, chỉ ngày giờ qua rất mau lẹ.

________________________________________

(1) Cái bàn này hiện nay vẫn còn giữ kỷ niệm tại Thảo Xá Hiền Cung, hiện giờ là Thánh Thất tại Tỉnh lỵ Tây Ninh.

(2) Trong quyển Ðại Ðạo Truy Nguyên của cụ Huệ Chương ghi là:

"Bên màn đòi lúc trêu hồn phách".

(3) Ông Cao Quỳnh Cư vốn quen gọi cha bằng Thầy.

(4) Trong quyển Ðại Ðạo Truy Nguyên:

Mờ mệt vườn đào điểm sắc thu.

 

Phụ lục: Cái bàn kỷ niệm mà ba ông Hộ Pháp, Thượng Phẩm và Thượng Sanh dùng để XÂY BÀN

 

Trích từ Đạo Sử Quyển I: ÐẠO SỬ XÂY BÀN Năm Ất Sửu (1925).◙

 


 

 


Nguyên Căn & Bản Tính Ba Thể Con Người &
Luật Dâng Tam Bửu

Nguyên căn ba thể con người

A.- Đấng Tạo Hóa tạo ra muôn loài, là Đấng Chí Linh, rất linh diệu, toàn năng, toàn tri, thống ngự vạn vật, dịch sử quần LINH mà ta gọi là ĐỨC CHÍ TÔN giáng lập nền ĐẠI ĐẠO, tá danh là Đức CAO ĐÀI TIÊN ÔNG ĐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT.

Ấy là Ngôi Thứ Nhứt thuộc về PHẬT, nguyên căn của CHƠN LINH, thể vô hình.

B.- Phần KHÍ SANH QUANG điều động khí âm dương lưu hành trong trời đất, nuôi sống vạn vật, nắm cơ sanh diệt và định mệnh của muôn loài mà ta gọi là Đức DIÊU TRÌ KIM MẪU hay là PHẬT MẪU.

Phật Mẫu là Đệ Nhị Pháp Thân của CHÍ TÔN chuyển Âm Quang gầy tạo Càn Khôn Võ Trụ, tiếng Phạn gọi là Amra. Thật ra Phật Mẫu là Chơn Thần của Vô Trung Từ Phụ.

Ấy là Ngôi Thứ Nhì thuộc về PHÁP, nguyên căn của CHƠN THẦN, thể bán hữu hình.

C.- Phần Vật Chất, gồm có thổ, mộc, thạch, kim, thủy do hai khí âm dương cấu tạo mà sanh hóa, biến hình, thành VẠN VẬT HỮU SANH.

Ấy là Ngôi Thứ Ba thuộc về TĂNG, nguyên căn của THỂ HÀI, thể hữu hình.

Bản tính ba thể con người

LINH HỒN. - Theo Đại Đạo Chơn Pháp gọi là CHƠN LINH, nguyên căn sản xuất nó là THƯỢNG ĐẾ hay là THIÊN ĐẾ.

Cái LÝ siêu việt của Chơn Linh là toàn thiện, có đủ cả TRÍ và HUỆ nên gọi là THIÊN LƯƠNG.

Nhờ Trí và Huệ mà con người có sự thông cảm đến những việc Kiết Hung từ xa hay gần sắp xẩy đến bất ngờ và cũng nhờ đó mà lãnh hội được những điều ngoài phạm vi hiểu biết của Lục Giác Quan là: Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân, Ý.

Con người nhờ có Chơn Linh nầy mà Linh, vì chính Chơn Linh có phận sự dìu dẫn, giáo hóa Chơn Thần đi trên đường tiến hóa từ phẩm Người đến phẩm Thần, Thánh, Tiên, Phật. (1)

THẦN HỒN. - Theo Đại Đạo Chơn Pháp gọi là CHƠN THẦN. Do nơi Chơn Thần nầy mà có lẽ sống bên trong của vạn vật hữu hình. Nguyên căn sản xuất nó là Khí Sanh Quang lưu hành trong trời đất.

Chơn Thần vốn là lẽ sống bên trong của vạn vật hữu hình, tiến hóa từ Sanh Hồn (2) đến Giác Hồn (3) rồi từ Giác Hồn tiến hóa thêm nữa mới có ít nhiều Lương Tri và Lương năng, tức là còn ở vào phẩm Thú Cầm bẩm thọ được một phần Linh từ trong Khí Sanh Quang mà có.

Từ phẩm Thú Cầm tức là phẩm có Thần Hồn rồi, thì nhờ có Chơn Linh ngự trị, dìu dẫn, giáo hóa mà Thần Hồn tiến thêm lên, hóa thành Chơn Thần tức là đoạt đặng phẩm Người rồi vậy.

Con người nhờ cái Chơn Thần nầy mà có Trí Giác, Tinh Thần, Khí Phách, khôn hơn vạn vật.

XÁC THỊT. - Ấy là Thân Thể con người.

Thể chất do hai khí âm dương cấu tạo thành vật hữu sanh và xác hài con người hay của vạn vật đều do vật chất kết tinh tạo thành, nên có tính dục hóa, dục sanh là tính của xác thịt.

Luật dâng Tam Bửu

Ba thể con người là TINH, KHÍ, THẦN gọi là Tam Bửu.

Theo Chơn Pháp của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ chỉ dùng HOA (Tinh), RƯỢU (Khí), TRÀ (Thần) làm tế vật hiến dâng cho Đức Chí Tôn.

Ý nghĩa sự tế dâng ấy cũng không ngoài luật TAM THỂ của quyền Tạo Hóa, là con người phải tự đặt mình trở lại nguồn cội sanh ra mình và thuận theo Luật ấy để đoạt cơ vĩnh sanh, dữ Thiên Địa đồng trường cửu.

HIẾN HOA. - Hoa là tinh túy của loài thảo mộc, tượng trưng tinh túy của vật chất tạo thành thân thể con người. Hiến HOA là nguyện dâng Thể Hài của mình cho Đức Chí Tôn để thật hành phận sự của hàng TĂNG, tức là cứu nhơn độ thế giải khổ chúng sanh.

QUI Y TĂNG

HIẾN RƯỢU. - Rượu có khí vị, năng lực dục túy, diệt vật giải thần, dùng nó là vì cái khí vị ấy, nên rượu tượng trưng phần KHÍ, thuộc trí óc, tinh thần, khí phách con người. Hiến rượu là nguyện dâng cả trí óc, tinh thần cho Đức Chí Tôn để thật hành Chơn Pháp, phải tu, phải đào luyện cho được một Chơn Thần đồng thể, đồng tánh cùng Ngôi Thứ Nhì để cùng Tạo Đoan dự vào cơ Tấn Hóa trên đường HẰNG SANH, tức là phụng sự Vạn Linh sanh chúng.

QUI Y PHÁP

HIẾN TRÀ. - Trà có tánh chất làm cho định tánh tĩnh thần, tượng trưng Linh Hồn. Hiến trà là nguyện dâng Linh Hồn cho Đức Chí Tôn để dự vào quyền năng mầu nhiệm của PHẬT, ý nghĩa là trở về cùng Đức Chí Tôn hay nói là hiệp một cùng THẦY và làm cơ quan liên lạc cho toàn thể Chơn Hồn trong Càn Khôn Thế Giái, khi đến khi về.

QUI Y PHẬT

Chung qui là con người hiến dâng cả Tam Bửu: TINH, KHÍ, THẦN tức là hiến dâng cả Thể Xác, Chơn Thần, Chơn Linh cho Đức Chí Tôn làm Bửu Vật khai Đạo cứu ĐỜI; để cùng sống trong tình THƯƠNG YÊU VÔ TẬN của Đức Chí Tôn giáng trần lập GIÁO, dìu dẫn nhơn sanh đi đúng theo khuôn luật HẰNG SỐNG của Tạo Hóa tức là khuôn luật Công Bình và Bác Ái.

Như thế là phụng sự Đức Chí Tôn đó vậy.

QUI Y TAM BẢO

 

________________________________________

(1) Nhơn vi vạn vật tối linh là nhờ có Chơn Linh. Vả lại con người được gọi THIÊN HẠ là nhờ có Chơn Linh, vì lẽ Đấng CHÍ LINH là THIÊN THƯỢNG còn CHƠN LINH là chiết thân của Chí Linh nên gọi là THIÊN HẠ.

(2) Sanh Hồn là Kim Thạch Hồn.

(3) Giác Hồn là Thảo Mộc, Côn Trùng Hồn.

 

Trích từ Chơn Lý Diệu Ngôn (Luật Tam Thể) Soạn giả: Kiến Tâm Phan Hữu Phước.◙


 


 

 


MƯỜI HAI ĐIỀU TÍN NGƯỠNG CĂN BẢN CỦA ĐẠI ĐẠO

1.- Thượng Đế là Đấng tạo ra Càn Khôn, Vũ Trụ và hóa sanh vạn vật. Nhân loại phải tín ngưỡng kính trọng Thượng Đế và trong các hành động nhất nhất phải tùng Thiên Luật.

2.- Là Đại Từ Phụ, Thượng Đế không bao giờ hành phạt chúng sanh toàn là con cái yêu thương của Người. Nhưng vì phép công bình, Thượng Đế lập luật “Nhơn Quả” làm cân thưởng phạt Thiêng Liêng. Chúng sanh do chỗ hành động mình mà rước lấy hoạ phước.

3.- Lòng từ bi của Thượng Đế không nỡ để chúng sanh không rõ Thiên Điều mà phạm tội nên từ thượng cổ Người đã phân tánh giáng trần lập Đạo đặng dạy dỗ chúng sanh biết điều thiện mà làm, điều ác mà tránh, và dìu dắt bát phẩm chơn hồn tiến hóa lên đến chỗ cực điểm. Nhưng nếu lòng người mê muội, không hồi đầu giác ngộ thì hình phạt phải cam.

4.- Thượng Đế chưởng quản Càn Khôn võ trụ.

5.- Luân hồi là cơ tấn hóa của bát phẩm chơn hồn. Trong mỗi kiếp tái sanh các chơn linh gây ra nghiệp duyên, nên tái sanh buộc phải thọ quả. Vì vậy mà luân hồi và quả báo đi đôi.

6.- Thần, Thánh, Tiên, Phật, trước vốn là người phàm nhờ tu mà đắc quả. Vậy thì tất cả phàm nhơn ai cũng có thể làm Tiên, Phật nếu biết tu, Nhất là gặp “Tam Kỳ Phổ Độ” ban hành luật Đại Ân Xá, chúng sanh được may mắn “tu nhất kiếp, ngộ nhất thời”.

7.- Phàm nhơn là Hồn tại thế. Âm nhơn là Hồn giải thể cho nên Phàm nhơn và Âm nhơn có thể thông công bằng cơ bút, đồng cốt, hoặc phương thế nào khác.

Người tu luyện đến bực cao siêu có thể xuất chơn thần thông công với các Đấng Thiêng Liêng hoặc luyện đắc “Nhãn thông” và “Nhĩ thông” mà thấy và nghe được.

8.- Vật chất tan rã rồi hợp thành một thể khác, duy chơn hồn là trường tồn và tuần tự tấn hóa đến mực cuối cùng là chỗ chí thiện.

9.- Âm nhơn là hồn mới giải thể còn quyến luyến hồng trần, chưa thoát được buồn vui đau khổ, bởi còn mang cái chơn thần là chan chứa tình cảm. Âm nhơn cần có thân nhơn tụng kinh cầu nguyện cho họ được an ủi mà bớt đau khổ.

Kinh Cầu Siêu rất linh nghiệm, vì mỗi tiếng tụng lên vốn có sức rung động huyền diệu vô cùng. Sức rung động đó hiệp với sức tư tưởng mạnh mẽ và thành kính của người tụng kinh gây thành một mãnh lực phi thường, đánh tan chơn thần của Âm nhơn giúp họ mau giải thoát đau khổ và hình phạt Thiêng Liêng.

10.- Con người thọ sanh tại thế đều có số mạng định đoạt, do nghiệp duyên của mình đã tạo ra trong kiếp trước. Cho nên người biết Đạo bao giờ cũng an phận tùy duyên, chẳng vì nghèo túng mà trễ nải việc Đạo.

Nếu con người biết chuyên làm lành lánh dữ cùng tu âm chất trong kiếp dương sanh, thì có thể chuyển hoạ ra phước. Định mạng là Trời, mà lập mạng là ta vậy.

11.- Tân Luật có ảnh hưởng rất lớn lao về Tiên phong Phật sắc của người tu trong Đại Đạo, chẳng giữ “Tân Luật” là trái phép Đạo mà trái phép Đạo không bao giờ vào được Bạch Ngọc Kinh.

12.- Muốn đắc quả, phải dự thi ở trường thi “công quả” nghĩa là phải phổ độ chúng sanh không làm đặng thế này phải tìm thế khác mà làm âm chất, thì cái công tu luyện chẳng bao nhiêu cũng có thể đạt được phẩm vị Thiêng Liêng.

 

Trích từ Đại Đạo Học Đường - Tài liệu huấn luyện chức sắc phẩm Giáo Hữu khóa Mậu Tuất (1958) bài 21.◙

 


 

 

Tiểu Sử và Công Nghiệp

của Cựu CTS Nữ Qu. Đầu Tộc Đạo Sydney Lê Thị Hồng Ngọc


 

   

TRẤN ĐẠO ÚC CHÂU

ĐẠI- ĐẠO TAM-KỲ PHỔ-ĐỘ

CHÂU ĐẠO NEW SOUTH WALES

Cửu Thập Ngũ Niên

TỘC ĐẠO SYDNEY

TÒA-THÁNH TÂY-NINH

114-118 King Georges Rd,
WILEY PARK, NSW 2195,
AUSTRALIA

 

Tel. & Fax: (02) 9740.5678

 

Email: thanhnghiep.caodai@yahoo.com.au

TIỂU SỬ VÀ CÔNG NGHIỆP CỦA C.CTS Q. NỮ ĐẦU TỘC ĐẠO SYDNEY
LÊ THỊ HỒNG NGỌC

Kính Bạch Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ,

Kính quý Chức Sắc, Chức Việc và Đạo Hữu Nam Nữ Lưỡng Phái,

Thay mặt Tộc Đạo Sydney, Châu Đạo New South Wales, Thiểu Phẩm kính thông qua Tiểu Sử và Công Nghiệp của Hiền Tỷ Cựu CTS Nữ Qu. Đầu Tộc Đạo Sydney Lê Thị Hồng Ngọc, như sau:

 

1)- VỀ PHẦN ĐỜI:

a) Thuở thiếu thời:

- Bà Lê thị Hồng Ngọc chào đời năm 1942, nơi quê hương khói lửa, xã Thái Bình Trung, quận Mộc Hóa (tức Kiến Tường), tỉnh Tân An (bây giờ là Long An), Nam Việt Nam, tuổi Nhâm Ngọ, nhưng giấy tờ ghi sinh ngày 15-12-1946.

- Cha là Ông Lê Kim Thới, nhà Nho học, biết nghề thuốc Bắc. Mẹ là Bà Nguyễn Thị Bình.

- Năm bà lên 3 tuổi (1945), thân phụ bà và một người bào huynh của ông bị Việt Minh tìm bắt vì là người theo Đạo Cao Đài. Bác bà bị giết, thân phụ bà may mắn thoát chết nên trong đêm cùng với gia đình vượt trốn về tá túc ở vùng Thánh Địa, Tòa Thánh Tây Ninh. Bà là con Út, thứ Mười, trong gia đình có tám người con: sáu trai, hai gái. Thế nên, trên đường trường xa lánh nạn, bà được các anh thay phiên gánh đi cùng với vật dụng, để đến được vùng đất Đạo an toàn.

- Dầu đến trường học trễ, do chiến tranh, song Bà rất sáng dạ, là học sinh giỏi trong lớp, đã học hết bậc Trung học, đã trúng tuyển vào Khóa Cán Sự Xã Hội, nhưng các anh chị, nhứt là anh Lê Minh Trang, nguyên Giám Đốc Nha Thanh Niên thời Chánh Phủ Việt Nam Cộng Hòa, không muốn cho em gái Út đi làm xa gia đình.

- Được lớn lên trong vùng Thánh Địa Tây Ninh, cái nôi của Đạo Cao Đài cho nên bà được Phụ thân dìu dắt theo Đạo từ nhỏ, mỗi chiều bà thường đi cúng Liên gia, một sinh hoạt cúng kiếng thường nhựt của mỗi Hương Đạo Cao Đài.

- Ngày 20-02-Đinh Dậu (1957) bà được cử vào Ban Đồng Nhi Đệ Nhị Phận Đạo.

- Bà chính thức Nhập môn vào ngày Rằm tháng Chạp năm Giáp Thìn (dl. 17-01-1965) tại Thánh Thất Phận Đạo Đệ Nhị, Châu Thành Thánh Địa Tòa Thánh Tây Ninh, Sớ Cầu Đạo Thiệt Thọ đề ngày 11-12-1968.

- Ngày 11/11/1977 (âl, Mùng 1/10/Đinh Tỵ): Bà hiến thân vào Cơ-quan Phước-Thiện Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Tờ Bổ Dụng phận sự Đạo sở, Sở ngánh 6, Hương Đạo Hoà Thành, Phận Đạo Đệ Tam.

b) Nên bề gia thất:

- Năm 1966, Bà kết hôn với Ông Trần Kim Lời, sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, sau thăng chức Thiếu Tá ngành Chiến Tranh Chánh Trị, đồng thời Ông Lời cầu phong vào Ban Thế Đạo, phẩm Hiền Tài, khóa 5 (1972).

- Ông Bà hạ sinh 3 trai, một gái, tuần tự như sau: Trần Lê Phong, Trần Lê Tuấn, Trần Lê Vũ, Trần Thị Ngọc Yến. Các con đều thành đạt, cùng các cháu nội, ngoại ngoan hiền.

c) Long đong theo vận nước:

- Trong hoàn cảnh mất nước, sau 30-04-1975, chồng bị lao tù miền Bắc suốt 10 năm ròng rã. Người thiếu phụ, chân yếu tay mềm, đóng hai vai vừa làm cha, vừa làm mẹ tảo tần nuôi dạy con thơ, vừa lặn lội thân cò trèo non, vượt suối nuôi chồng lao động khổ sai (theo cách gọi mỹ miều của chế độ Cộng Sản là "học tập cải tạo"). Cho đến chế độ đàn áp không nương tay, vơ vét của cải, cùng phân biệt đối xử của kẻ thắng cuộc đã hằn sâu nỗi đau cùng cực lên hàng triệu gia đình đồng bào ruột thịt miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ.

- Sau khi được trả về với gia đình vào tháng 12 năm 1985, Hiền Tài Trần Kim Lời, không thể ở lại sống với chế độ, đành bất kể mạng sống, liều mình vượt biên sang Thái Lan tìm Tự Do khoảng tháng 06-1986.

- Cuối cùng, Hiền Tài Trần Kim Lời được định cư tại Úc. Song, sau khi định cư, Hiền Tài Lời rủi trở bịnh ung thư bao tử và sốt rét, do hậu quả của những năm tháng tù đày miền Bắc. Theo đó, ngày 31-01-1987, Bà và các con được Bộ Di Trú Úc giải quyết chấp thuận cho đoàn tụ với chồng theo diện nhân đạo khẩn cấp để chăm sóc cho bạn đời là Hiền Tài Lời.

- Sau nhiều tháng chạy chữa, Hiền Tài Lời đành vĩnh viễn ra đi vào ngày Tết Đoan Ngọ Mồng 5-05-Mậu Thìn (dl.18-06-1988). Bà quả phụ Trần Kim Lời gắng gượng sống, thờ chồng nuôi con, phấn đấu qua việc tham gia các sinh hoạt cộng đồng, vừa ghi danh học các khóa học trường TAFE, vừa dạy Việt Ngữ cho các Trường Văn Lang (1990-2002), Đạo Đức Học Đường (1992-2002), gia nhập các Hội Cao Niên vân vân... hầu nêu gương và khuyến khích các con, cháu chăm lo học hành.

2. VỀ PHẦN ĐẠO:

Vốn tính năng động, Hiền Tỷ thường xuyên động viên các cháu nhập môn và tham gia vào Đoàn Thanh, Thiếu Niên Cao Đài NSW, sinh hoạt đều đặn từ Thánh Thất cũ 132 Campbell St, ST Peters. Trong khi cháu Trần Lê Tuấn thành thạo văn, vỏ trong Ban Nhạc Đạo của Thánh Thất Phận Đạo Đệ Nhị, Tòa Thánh Tây Ninh.

Kể từ nhiệm kỳ đầu tiên năm1994, Hiền Tỷ đã tham gia Hành Chánh Đạo, Kiên trì phục vụ suốt cho đến nay, không gián đoạn, và được đồng đạo đề cử các phẩm chức lần lượt như sau:

- Thông Sự Hương Đạo Canterbury ngày 09-01-Giáp Tuất (dl.18-02-1994). Tờ Cử Chức đề ngày Mồng 1 tháng 4 năm Giáp Tuất.

- Chánh Trị Sự Hương Đạo Fairfield. Tờ Cử Chức, đề ngày Rằm tháng 2 Ất Hợi (dl.15-03-1995).

- Q. Nữ Đầu Tộc Đạo Sydney, Tờ Cử Chức, do Hiền Tài Nguyễn Chánh Giáo, Q. Đầu Tộc Đạo ký ngày 09-01-Kỷ Mẹo (dl.24-02-1999), nhiệm kỳ 1999-2003, với nhiều lần Xử Lý Thường Vụ Q. Đầu Tộc Đạo, để điều hành Tộc Đạo Sydney, trong khi Hiền Tài Giáo, công du hành Đạo.

- Tái nhiệm Q. Nữ ĐTĐ nhiệm kỳ 2003-2008, Tờ Cử Chức do Hiền Tài Nguyễn Thành Nghiệp, Q. Đầu Tộc Đạo Sydney ký ngày Rằm tháng 3 Giáp Thân (2004).

- Tái nhiệm Q. Nữ ĐTĐ nhiệm kỳ 2008-2013, Tờ Cử Chức ký ngày Rằm-tháng Giêng-năm Kỷ Sửu (2009), cũng do Hiền Tài Nguyễn Thành Nghiệp ký.

- Hiền Tỷ đã xin không tái nhiệm, sau 3 nhiệm kỳ đồng đạo thỉnh cầu lưu nhiệm, cầm quyền Nữ Đầu Tộc Đạo. Song, đến nhiệm kỳ 2013-2018, Đại Hội HCĐ cũng tiếp tục thỉnh cầu Hiền Tỷ cùng Hiền Huynh Hiền Tài Nguyễn Thành Nghiệp ở lại phục vụ. Do đó, mới có Tờ Cử Chức ký ngày Rằm tháng Giêng năm Giáp Ngọ (2014), cũng do Hiền Tài Nghiệp ký.

- Cơ Đạo vẫn trong tình trạng cần nhân sự quán xuyến, Hiền Tỷ lại Tái nhiệm Q. Nữ ĐTĐ nhiệm kỳ 2018-2023, Tờ Cử Chức ký ngày Rằm tháng Giêng năm Kỷ Hợi (2019).

Ngoài việc phục vụ cho cơ Đạo tại NSW, Hiền Tỷ còn được đồng đạo tại Adelaide, Bang Nam Úc, luôn tín nhiệm mời gọi hướng dẫn về Đạo sự cho địa phương đang cần.

Song song với việc hành đạo, Hiền Tỷ đã tham gia các sinh hoạt từ thiện và các Hội Cao Niên nhằm giới thiệu cho mọi người biết Đạo Cao Đài. Theo đó, Hiền Tỷ nhận được, ngoài các Giấy Chứng Công Hạnh hoàn thành nhiệm vụ Xuất Sắc mọi công tác được giao phó trong mỗi nhiệm kỳ hành Đạo, Hiền Tỷ được Thủ Hiến NSW The Hon. Kristina Keneally tại Quốc Hội NSW cấp Chứng chỉ "Premier's Vietnamese community Awards 2011".

Thế nhưng, đến ngày Thứ Bảy, 24-08-2019 (âl.24-07-Kỷ Hợi) nhân ngày Lễ Vu Lan, dù cảm thấy không khỏe, nhưng Hiền Tỷ cũng nể tình đồng đạo, cố gắng đến tham dự Lễ Đặt Bia Cực Lạc Cao Đài NSW tại Wisdom Memorial Park, Leppington. Thì than ôi, hôm sau, Hiền Tỷ phát hiện bịnh và phải khẩn cấp vào Bịnh Viện Saint George, Kogarah điều trị, mới hay là bịnh nan y ung thư cần giải phẩu. Hiền Tỷ dầu xúc động, nhưng bình tỉnh hỏi Bác sĩ:

- "Xin Bác sĩ cho tôi biết, nếu mổ mà trị được, thì mổ, còn không thì để vậy...".

Các cháu không muốn mất mẹ, không đành lòng để vậy. Từ đó, bác sĩ cố gắng tận tình tiếp tục điều trị bằng mọi cách, sau câu trả lời "Hy vọng kết quả 90%". Các cháu cũng hết lòng săn sóc chu đáo cho mẹ.

Riêng Hiền Tỷ chỉ mong khỏe lại để tiếp tục con đường lập công bồi đức. Thế nên, dầu nằm trên giường bịnh, Hiền Tỷ vẫn cố gắng phấn đấu duy trì theo dõi và chia sẻ mọi sinh hoạt Đạo sự Tộc Đạo, không ngừng nghỉ. Đối với Hiền Tỷ, phục vụ cho nhơn sanh đồng nghĩa với thở để sống trên cõi đời, bằng không thì chỉ sống vô nghĩa thôi.

Nhưng than ôi, mạng số nan đào. Câu "Nhơn sanh tự cổ thùy vô tử, lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh"( Người đời ai cũng chết,sống thì lưu lại danh thơm), Hiền Tỷ cũng thường nói với tôi câu Châm ngôn Tây: "L' homme propose, Dieu dispose" (Mưu sự tại nhơn, thành sự tại Thiên). Cuối cùng, Hiền Tỷ thanh thản mỉm cười ra đi vào thời Tý, lúc 12 giờ 12 phút sáng ngày 24-04N-Canh Tý (dl.15-06-2020) để lại bao thương tiếc của bạn đồng sanh.

Hiền Tỷ đã thuộc làu tám đức tánh do Đức Phật Mẫu dạy và từng dùng hạnh đức hòa nhã của mình để dung hòa, để nêu gương tốt cho gia đình, cho bạn đạo, nhứt là các cháu Thanh Thiếu niên Đại Đạo. Gương sáng ấy luôn vĩnh tồn. Tôi nhớ có lần, Hiền tỷ biết tôi thích làm thơ, nên viết tặng trên tờ giấy nhỏ, năm 1996, khi cơ Đạo có chuyện không vui, rằng:

Buồn nhìn Đạo sự lắm xôn xao,
"Một đức trổi hơn một phẩm cao".
Gìn câu Thánh Giáo thiên niên nhủ,
Huynh Đệ lơi lòng chẳng chuốt trao.
Kẻ đặng có vui trong luận Đạo,
Người thua chua xót ruột gan bào!
Cớ sao có cảnh phân chia ấy,
Hạnh đức khiêm nhường thoáng quên mau.

Đêm buồn mùa Đông 96.

Tôi giữ mấy câu chân tình nầy, của một Đạo muội, như là một lời nhắn nhủ cho việc hành đạo. Chúng tôi đinh ninh Hiền Tỷ vẫn luôn tồn tại, vẫn vui vẻ bên cạnh bạn đạo như lúc sinh thời, ít ra cũng từ các CD, USB, caodaebook những lời đọc trong "Tôi học Giáo lý Cao Đài".

Thiển nghĩ, sau gần 80 năm phù du, gửi thân nơi trần gian cát bụi, trong đó có 33 năm tạm dung đất khách trọn nghĩa tam tùng, với hơn 26 năm hiến thân vào cửa Đạo nương đuốc Huyền Linh, gội mình sạch tục, tạm đủ để trở về bái kiến Đức Chí Tôn, Đức Phật Mẫu, Các Đấng Thiêng Liêng, Địa Tạng Vương Bồ Tát, Thất Nương Diêu Trì Cung, hầu hưởng nhàn nơi ngôi xưa vị cũ.

Thay mặt Tộc Đạo Sydney, Châu Đạo NSW, chúng tôi ghi lại đôi giòng về Tiểu sử và công nghiệp của Hiền Tỷ Cố Cựu CTS Nữ Q. Đầu Tộc Đạo Lê Thi Hồng Ngọc, mà chúng tôi biết được đôi chút. Về phần Vô Vi, theo câu Kinh "nhứt toán họa phước lập phân", chúng tôi cầu xin Ơn Trên, Đức Chí Tôn, Đức Phật Mẫu, các Đấng Thiêng Liêng và Thất Nương Diêu Trì Cung dộ dẫn và định đoạt Thiên vị cho Hiền Tỷ trên Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống.

NAM MÔ CAO ĐÀI TIÊN ÔNG ĐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT

Thánh Thất New South Wales, ngày 28 tháng tư nhuần năm Canh Tý
(dl. 19-06-2020)

Qu. Đầu Tộc Đạo Sydney,

Hiền Tài Nguyễn Thành Nghiệp

 

 

Hiền Tài Nguyễn Thành Nghiệp Qu. Đầu Tộc Đạo Sydney tuyên đọc Tiểu Sử và Công Nghiệp của Cựu CTS Nữ Qu. Đầu Tộc Đạo Sydney Lê Thị Hồng Ngọc.

 

 


 

 

Bài đọc của Hiền Tỷ cố cựu Chánh Trị Sự/
Q. Nữ Đầu Tộc Đạo Sydney nhân ngày Đại Lễ Vía Đức Diêu Trì Kim Mẫu - Năm Bính Thân 2016


 

Nam mô Cao Đài Tiên Ông Đài Bồ Tát Ma Ha Tát.
Nam Mô Diêu Trì Kim Mẫu Vô Cực Thiên Tôn.

Kính Bạch Hội Thánh,

Kính thưa quý Chức Sắc, Chức Việc Bàn Trị Sự,

các Ban Lễ, Nhạc, Đồng Nhi và chư Huynh, Tỷ, Đệ, Muội..

 

Hôm nay, ngày Rằm Tháng 8 năm Bính Thân, tại Thánh Thất chúng ta thiết lễ cúng Đại Lễ Vía Đức Phật Mẫu, tiện muội được sự chỉ định của H/H Q. ĐTĐ sẽ đọc bài Thánh giáo của Đức Phật Mẫu.

Kính thưa quí vị,

Qua bài Luật tam thể của Đức Cao Thượng Phẩm, chúng ta được biết mỗi con người chúng ta đều có: Chơn hồn do Đức Chí Tôn ban cho, chơn thần do Đức Phật Mẫu và thể xác do Cha Mẹ hữu hình tạo ra. Ở thế gian chúng ta có bà Mẹ trần thế, bà Mẹ này đã và đang thương yêu, đùm bọc, che chở, nuôi nấng chúng ta từ lúc lọt lòng cho đến khi khôn lớn và chúng ta chỉ biết duy nhất có bà Mẹ này thôi. Nhưng ai có biết đâu tình thương yêu, đùm bọc che chở nuôi nấng đó lại phát xuất từ một động lực vô hình sâu xa bàng bạc trong lòng người Mẹ trần thế mà mấy ai trong chúng ta đã hiểu rõ được nguồn gốc của động lực nầy từ đâu mà có. Đó là luồng từ điển của bà Mẹ từ cõi vô hình cao siêu đã ban rãi xuống tất cả những bà Mẹ hữu hình của vạn loại. Đó chính là bà Mẹ Diêu Trì Phật Mẫu của vũ trụ. Là nguồn cội của chúng sanh muôn loài vạn vật và đó là bà Mẹ thật sự, bà Mẹ trường cửu đã bảo dưỡng muôn đời của chúng ta. Bà Mẹ trần thế chỉ có thể lo lắng cho chúng ta trong một kiếp, một đời hoặc một trăm năm. Còn bà Mẹ của vũ trụ đã lo lắng chăm sóc, giáo dục, bảo dưỡng chúng ta từ kiếp nầy qua kiếp khác, từ cuộc sống nầy đến cuộc sống khác trong suốt cuộc hành trình xuống thế để học hỏi tiến hóa của chúng ta.

Đến nay ngươn tận, đời tàn, Mẹ càng lo lắng cho những linh hồn con của Mẹ đang lặn ngụp trong bể trần mê muội, mà cơn đại nạn đã cận kề rồi, lại không chịu thức tỉnh để vượt sông mê trở về bến giác thì chắc chắn sẽ bị chôn vùi dưới bánh xe tiến hóa và phải trầm luân nhiều ngươn dài thăm thẳm mới có cơ hội tiến hóa trở lại. Vì vậy, Đức Phật Mẫu đã tận dụng các hình thức giáo hóa để cứu độ tất cả con cái của Ngài đem về cõi Thiêng Liêng cho Đức Chí Tôn định vị. Vì quá thương yêu con cái Đức Phật Mẫu đã bao lần giáng cơ, ban thánh giáo dạy dỗ khuyên nhủ, truyền dạy chúng ta những phương pháp tu học để thoát khỏi cảnh hồng trần đầy khổ đau bất trắc trong buổi hạ ngươn mạt kiếp nầy .

Sau đây, tiện muội xin chia xẻ cùng chư Huynh, Tỷ, Đệ, Muội bài Thánh giáo của Đức Phật Mẫu để chúng ta cùng tham khảo thêm trên bước đường tu học và xem thánh ngôn nầy là một chiếc phao, một linh thoàn có thể đưa chúng ta vượt sông mê mà trở về nguồn cội của mình.

DIÊU TRÌ NƯƠNG NƯƠNG

Mừng các con Nam Nữ, Chức sắc và Thiện tín.

Các con bình thân.

Mẹ đã vui lòng chứng nhận lễ thành kính của các con Nam Nữ hiến dâng cho Mẹ nhơn ngày kỷ niệm Diêu Trì Cung vừa qua.

Cái tinh thần đoàn kết của các con, cái tinh hoa đạo đức của các con đã tiến bước phần nào. Nhưng Mẹ cũng lắm lo lắng đường tu các con hằng bị trở ngại, vì tà tâm còn nhiễu loạn trong một phần đáng kể các con của Mẹ.

Vì vậy, mỗi con đều phải thận trọng gìn giữ bổn phận của mình để tránh khỏi bị lôi cuốn vào lối hiểm họa.

Các con, nhứt là Nữ phái, công phu các con lắm nhọc nhằn, thì con đường lánh giả tầm chơn, lập nên ngôi vị, không phải khó. Mẹ trông ngày hội hiệp của các con sau khi trả vay hoàn tất, nhưng trường thi lắm gay go, lướt khỏi cũng không dễ dàng. Các Tiên Phật đọa trần vì đó mà đành mất Thiên vị.

Các con nên gắng tâm khổ hạnh, quyết chí tu hành thế nào cho được lòng trắng như băng, thanh như giá, không bợn một mảy lợi quyền bất chánh, thì cái ý chí cứng rắn của các con mới thắng nỗi mọi cơ thử thách.

Đời đã tàn, thuyền Đạo sắp xa bến. Sự hung bạo của nhơn loại đã tới mức nào, các con cũng thấy rõ.

Mẹ bâng khuân vì bầy con hạ thế, chưa chắc ngày tương hội thiếu đủ thế nào? Mẹ mong các con xét nghĩ đủ sáng suốt trọn hành phận sự cho xứng đáng lòng tin cậy của Mẹ thì đó là đền ơn cho Mẹ vậy.

Mẹ có mấy lời sau đây, các ái nữ của Mẹ nên khá để tâm:

THI

Đã dấn thân vào cửa sắc không,
Nữ nhi cực nhọc há nao lòng.
Phòng the vẹn phận trao gương thắm,
Liễu yếu đừng phen cợt gió đông.
Sóng khổ dẫu xao dòng nước trí,
Cành xuân gắng giữ mảnh hương nồng.
Đường về các trẻ xin ghi nhớ,
Cửa Khuyết hằng ngày Mẹ ngóng trông.
Mẹ ban ơn cho các con Nam, Nữ.

Tiện muội xin nguyện cầu Hồng Ân Đức Phật Mẫu luôn luôn soi sáng cho chúng sinh muôn loài vạn vật từ vô hình đến hữu hình để tất cả đều được tiến hóa mà trở về với Mẹ.

Nam Mô Diêu Trì Kim Mẫu Vô Cực Thiên Tôn.

 

 

 


 

 

Lời Cảm Tạ của Gia đình
cố cựu CTS/Qu. Nữ ĐTĐ SYDNEY Lê Thị Hồng Ngọc


 

Nam Mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát,

Nam Mô Diêu Trì Kim Mẫu Vô Cực Thiên Tôn.

Kính bạch Hội Thánh,

Kính thưa quý Chức Sắc, Chức Việc và Đạo hữu Nam Nữ,

Kính thưa quý Quan khách và Hội Đoàn,,

Kính thưa quý vị Thông gia, và quý Thân Bằng Quyến thuộc gần xa.

Kính thưa quý vị,

Sau khoảng mười tháng thọ bệnh nan y, Mẫu thân của chúng đệ muội, của chúng tôi đã nhắm mắt từ giã cõi đời vào lúc 12 giờ 12 phút, ngày 15 tháng 06 năm 2020, năm Đạo thứ 95, âm lịch nhằm ngày 24 tháng Tư nhuần năm Canh Tý. Hưởng thọ 79 tuổi.

Dẫu biết rằng kiếp nhân sinh chỉ là một kiếp sống tạm bợ trên con đường tu tập và dục tấn của loài người để trở về với Thầy Mẹ nơi Cõi Thiêng Liêng Hằng Sống! Dẫu không ai có thể thoát khỏi quy luật tự nhiên là Sinh, Lão, Bệnh, Tử! Dẫu biết rằng, không có một cuộc đoàn viên nào mà không có lúc ly biệt! Cõi trần giống như là một sân ga, sẽ liên tục có những người đến và đi… Nhưng đối với chúng tôi thì việc Mẫu thân qua đời là một nỗi đau buồn, sầu thảm khôn nguôi. Có những người có được sự may mắn là khi mất Cha thì còn Mẹ hoặc khi Mẹ mất thì Cha còn. Họ còn có được một niềm an ủi tinh thần khác. Còn với chúng tôi, Mẫu thân mất là chúng tôi mất cả hai đấng sinh thành. Niềm an ủi duy nhất của chúng tôi là trong những ngày ngoạ bệnh, ngoài những lúc hôn mê vì thuốc thì lúc nào Mẫu thân của chúng đệ muội, của chúng tôi cũng minh mẫn, sáng suốt. Dù bị đau đớn nhưng bà vẫn có những lúc đùa giỡn với chúng tôi, khiến cho chúng tôi cười ra nước mắt. Cười vì những câu nói vui đùa, an ủi nhau của mấy Mẹ con. Buồn vì biết rằng những khoảnh khắc thương yêu như thế này chỉ còn rất ngắn ngủi. Có vài lần thân Mẫu của chúng tôi còn gọi điện thoại hoặc gửi tin nhắn hỏi thăm, cám ơn người này, người kia đã vấn an, động viên bà. Nhờ còn minh mẫn như thế nên Mẫu thân của chúng tôi đã xem và nghe kinh tới lúc lâm chung. Điều này không ít thì nhiều, vô hình trung đã giúp cho sự hườn vô của bà. Thậm chí trong lúc hấp hối, Mẫu thân của chúng tôi còn nhắc tới Đạo Cao Đài, nhắc tới màu cờ của một tôn giáo mà bà đã theo tu tập hơn hai mươi năm nay.

Ngoài ra, nỗi đau buồn của chúng tôi càng trở nên thống thiết hơn khi trong những ngày thọ bệnh, Mẫu thân của chúng tôi vẫn luôn kiên cường chống chọi cho đến giây phút chót mà không hề biết rằng tính mạng của bà đã được định đoạt. Chỉ cần đỡ đau, tỉnh táo một chút là bà đòi ăn thức này, uống thức kia, tập cách này, luyện cách khác để thân thể có đủ chất dinh dưỡng, có đủ sức để trị lành căn bệnh. Chúng đệ muội, chúng tôi không một người nào dám nói thẳng với Mẫu thân là bà chỉ còn sống trong khoảng thời gian vô cùng ngắn ngủi nữa vì chúng tôi lo rằng sau khi nghe bà sẽ đau lòng, lo buồn và suy sụp tinh thần tội nghiệp. Nhưng dường như linh cảm hoặc trực giác bản thân đã mách bảo nên có vài lúc, đặc biệt là lần cuối cùng vô bệnh viện, thân Mẫu của chúng tôi đã nói về cái chết của mình. Theo tôi thiển nghĩ, Mẫu thân của chúng tôi đã đón nhận cái chết một cách bình tĩnh nhất, thanh thản nhất có thể và còn nói với chúng tôi rằng ai thì cũng đến lúc phải từ giã cõi trần. Mẫu thân của chúng tôi nói rằng được sống bấy nhiêu lâu là bà mãn nguyện lắm rồi. Bà thậm chí còn căn dặn chúng tôi làm một số việc mà bà muốn liền lúc đó và sau khi bà mất…

Nhưng thôì, nỗi đau buồn vì mất Mẹ thì không sao kể xiết được và ai thì cũng đã và sẽ có một lần mất Mẹ chứ nào riêng chúng tôi. Kể lể hoài cũng không hay. Đến đây chúng đệ muội, chúng tôi xin gát nỗi bi ai này lại để xin được bày tỏ lòng tri ân đến quý vị.

Kính thưa quý vị,

Sở dĩ hậu sự của Mẫu thân chúng tôi được tiến hành một cách trang trọng và đúng theo Nghi tiết Quan Hôn Tang Lễ của Hội Thánh, Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Tòa Thánh Tây Ninh là nhờ vào sự tổ chức và quán xuyến vô cùng chu đáo của quý Chức Sắc, Chức Việc Bàn Trị Sự, các Ban Lễ, Đồng Nhi và chư Huynh Tỷ Đệ Muội trong Tộc Đạo Sydney. Trước sự việc đầy nghĩa tình như vậy, chúng đệ muội rất cảm kích. Chúng đệ muội không có gì hơn là xin thành kính tri ân và cầu nguyện Đức Chí Tôn, Đức Phật Mẫu cùng các Đấng Thiêng Liêng phò hộ cho quý vị cùng gia quyến thân tâm được an lạc và vững tiến trên con đường lập công bồi đức hầu trở về với Đức Đại Từ Phụ và Đại Từ Mẫu.

Kế đó, chúng tôi xin được thành kính tri ân quý vị Quan khách và Hội Đoàn, quý vị Thông gia và quý Thân Bằng Quyến Thuộc gần xa đã không quản ngại thời gian quý báu, thời tiết lạnh lẽo, thời điểm dịch bệnh để đến tham dự tang lễ của Mẹ chúng tôi. Chúng tôi xin cầu chúc cho quý vị và bửu quyến thường được dồi dào sức khỏe, vui vẻ và bình yên.

Trong lúc tang gia bối rối, chắc chắn là đã có nhiều điều sơ sót chúng đệ muội, chúng tôi xin quý vị niệm tình bỏ qua.

Một lần nữa chúng đệ muội, chúng tôi xin được cám ơn quý vị.

Nay kính.

 

 

 

TIỄN BẠN LÊ THỊ HỒNG NGỌC

 

Rừng phong u tịch lá rơi,
Thuyền xa khuất nẻo cảnh đời biệt ly!

Chị về nguồn cội thật bình an,
Thiên vị từ đây hưởng cảnh nhàn.
Cửa Đạo hữu vi dầu thấy đó,
Khối linh Thánh chất, khối tình chan.
Nhơn luân trung tín, muôn điều khó,
Chơn tánh nguyên căn, bước địa hoàn.
Mượn ngọn gió Đông đưa tiễn Chị,
Vào đường Hằng sống Chí Tôn ban.

 

Kính chơn linh Chị!

Bài thơ là tấm chơn tình của người khách trần may duyên Tri ngộ Chị nơi cõi thế trên con đường Đạo của THẦY. Xin đốt nén tâm hương quyện đến non Thần.

Nhã kính.

Thanh Tịnh Ái Nhân Môn mùa Đông, 19-06-2020
Ái Nhân

Lê Thị Hồng Ngọc qui vị ngày 24-04-Canh Tý (dl, 15-06-2020) tại tư gia Narwee NSW. Hưởng thọ 79 tuổi.

 

 


 

 

SINH HOẠT TỘC ĐẠO SYDNEY


 

 

Kính chư Hiền,

Điểm lại vài nét sinh hoạt của Tộc Đạo Sydney trong mấy tháng qua, từ khoảng đầu năm Canh Tý, đại dịch Covid-19 bùng phát nhanh hơn, khắp nơi. Chúng ta không đứng ngoài ảnh hưởng liên đới, mà phải chịu khổ nạn chung với nhân loại trên mặt địa cầu 68 nầy. Song, chúng ta đã làm được gì trong việc duy trì sinh hoạt Đạo?

 

• Về Lễ vụ:

- Các Đàn cúng Sóc, Vọng, Lễ Vía các Đấng, Lễ Kỷ niệm chư Tiền Khai, Lễ Vụ Tộc Đạo vẫn thiết lễ một cách trang nghiêm, đúng quy định và luật pháp của Chánh quyền sở tại, về dãn cách an toàn, vệ sinh và số người tham dự.

- Các kỳ Nguơn Hội, đồng đạo đến Thánh Thất dự lễ Thượng Phướn, cúng Đại lễ, tụng Di Lặc Chơn Kinh và Kinh Cứu Khổ, cầu chung cho "cả chúng sanh thoát ly khổ nạn".

- Các lễ Tang: Đặc biệt, trong mấy tháng của bán niên Canh Tý, đồng đạo New South Wales vô cùng thương tiếc mất đi hai vị nồng cốt trong Tộc Đạo, cách nhau chưa đầy bốn tháng: đó là Hiền Tỷ Nữ Quyền Đầu Tộc Đạo Sydney LÊ THỊ HỒNG NGỌC và Nữ Phó Trị Sự kiêm Lương Vụ DƯƠNG THỊ BÍCH THỦY. Cũng nhờ Ơn Trên các Đấng hộ trì, Linh Cửu của hai vị được quàn và cử hành tang lễ tại Phòng Sinh Hoạt của Thánh Thất NSW, một cách ấm cúng với đầy đủ nghi thức cúng tế, tụng niệm trang nghiêm, theo lễ Đạo. Từ việc di quan tiễn đưa đến Nghĩa Trang Forest Lawn Memorial Park-Leppington, đúng theo thời gian và lịch trình, cùng sự thuận tiện và an toàn, cho đến khi hoàn tất, với hơn vài trăm khách bùi ngùi tiễn đưa đến nơi an nghỉ cuối cùng (livestream, facebook, youtube). Lễ Tuần Cửu của Hiền Tỷ Nữ Q. ĐTĐ được đồng đạo đến Thánh Thất, trong tinh thần "nhứt gia hữu sự bá gia ưu", cùng tham dự cầu nguyện cho đến mãn Cửu. Duy, một số lần Tuần Cửu của PTS Bích Thủy được thực hiện cả hai nơi: Thánh Thất và tư gia trong thời gian dịch bịnh, vì tang chủ cảm thấy chưa an toàn.

- Ngoài việc tiến hành tang lễ cho đồng đạo tại Tiểu Bang sở tại, Tộc Đạo Sydney và Bàn Cai Quản Sở Phước Thiện và ĐTPMNSW cũng đã gửi lời Phân Ưu đến tang chủ các nơi ở hải ngoại, đồng thời thiết lễ cầu nguyện Đức Chí Tôn, Đức Phật Mẫu và Các Đấng Thiêng Liêng siêu độ cho Chơn Linh quí vị: Ngài Cố Cãi Trạng Nguyễn Minh Nhựt (tự Nguyễn Ngọc Trân) qui Thiên tại Tòa Thánh Tây Ninh, Việt Nam (17-03-2020); Hiền Tài Nguyễn Long Châu, qui vị tại San Jose, USA (26-01-2020); Hiền Tài Nguyễn Trung Đạo qui vị (19-02-2020) tại Santa Ana, USA; Đạo Hữu Nguyễn Thị Thu, qui vị (18-02-2020) tại Perth (Úc); Đạo Hữu Tống Thị Hận, qui vị tại Mỹ Tho, VN (11-03-2020); Cố Đạo Tâm Trần Tứ Phương, qui vị (26-04N-Canh Tý) tại VN; Cố C.CTS Trương Văn Dần qui vị (15-05-Canh Tý) tại Bịnh Viện Saigon, VN. Gần đây nhứt là Lễ Tang của Cố Đạo Hữu Bùi Thị Huỳnh Anh qui vị ngày 12-08-2020, tại Sunshine, Melbourne, Victoria, Úc Châu.

 

• Về Công Vụ và In ấn Kinh Sách Lịch Đạo, Bản Tin:

Song song với sinh hoạt cúng kính, các Chức Việc và Đạo Hữu tình nguyện phụ trách các phần vụ, luôn tiếp tay nhau, không phân biệt việc người, việc ta, trong mọi công tác tân tạo, tu bổ khi cần gọi đến. Thánh Thất trải qua gần 30 năm tuổi, đang trong tình trạng xuống cấp, cần được quan tâm tu tạo. Công Vụ Lý Tú Kỳ phối hợp với CTS/ Lễ Vụ Trần Ngọc Điệp, CTS Lý Tú Bình và đồng đạo đang xem lại, hầu lần lượt định kế hoạch sửa chữa.

- Chỉnh trang Phòng Họp (hay Phòng Đa Dụng): Thánh Thất không đủ rộng, nên mọi sinh hoạt cúng kiếng, hội họp, đều được tổ chức tại phòng thờ Cửu Huyền. Đó là lý do Tộc Đạo, nhứt là Hiền Tỷ Cố Nữ Q. Đầu Tộc Đạo Sydney Lê Thị Hồng Ngọc, người đồng ý và đốc thúc hăng hái nhứt cho việc thực hiện càng sớm càng tốt để dùng tổ chức Đại Hội Tín Đồ Cao Đài Trấn Đạo Úc Châu năm 2020. Theo đó, cùng các Bàn Trị Sự quyết định phá bỏ vách tường và dàn cửa sổ bằng gỗ đang hư mục, để thay dàn cửa xếp bằng nhôm gắn kính dày, vừa kín đáo, sáng sủa và dễ mở lớn, khi cần nới rộng diện tích sử dụng. Đây là công tác không đơn giản, cần nhiều công sức, kể cả chuyên môn của nhiều bàn tay. Kể cả nhóm thiện nguyện tài trợ chi phí đầu tiên để gắn cửa kính, sau khi CTS Điệp khảo giá. Nhóm nầy gồm: CTS Thu Lan, ĐH Lê Vũ, ĐH Võ Thị Bảy, C.CTS Sử Di Sanh. Chưa kể đến phần gạch lót do ĐH Trương Thị Dân, Khi và Yến Mai yểm trợ.

Công tác khởi công tiến hành, theo tinh thần báo cáo trong vi bằng phiên họp hàng tháng xin được nhắc lại sơ lược, như sau:

- Trước hết, Huynh Q. Đầu Tộc và CTS Điệp lo dựng scaffold, che bạt nylon an toàn cho khu công trường và cả phòng họp, để tránh mưa gió, bụi bặm.

- Cắt tường double brick bằng máy cắt chuyên nghiệp do ĐT Bình và PTS Phước, công quả.

- Phá tường, tháo khung và cửa kính, chôn electric box, gắn power point, đập gạch, đổ gạch vào bin: CTS Điệp, PTS Nhuần, Lý Thuần, CTS Bình, PTS Kỳ, ĐH Kiệt, TS Nhân, ĐH Xuân, ĐH Tâm, ĐH Cang (dùng trailer chở gạch và đất thừa đem đổ chỗ khác),...

- Lót gạch frame work, cân nền do CTS Bình, Điệp,... Phần đổ concrete nền ciment, khá quan trọng, phải do sự khéo léo chuyên môn của ĐT Đoạn, Hiếu và một số thợ phụ tiếp tay...

- Công tác làm đẹp, do ĐH Thuần lót từng viên gạch viền và raising theo kinh nghiệm chuyên môn từ vài mươi năm trước, khi lưng chưa mỏi, gối chưa chồn! Phu tá có CTS Ngọc Điệp, Thanh Phi, Đức Nhân, Tú Kỳ, Công Tâm, Thành Nghiệp,...

- Công việc sau cùng là gắn màn sáo (blinds), do hai gia đình ĐH Như Quỳnh và Lê Long hiến công quả.

- Công tác hoàn tất, kín đáo, không thể quên C.CTS Lộc, CTS Điệp, TS Nhân và nhứt là ĐH Xuân trét hồ ciment, silicone các kẻ hở và sơn lại vách cho tiệp màu.

- Ngoài ra, việc che lưới nhôm, gắn perspect, thay bóng đèn downlight LED, sensor và nhiều việc lặt vặt khác, do PTS Kỳ, PTS Nhuần, CTS Điệp,... Chưa kể khâu ẩm thực, do quý vị nữ phái yểm trợ, như: CTS Lan, PTS Hạnh, PTS Thủy, PTS Tuyền và các vị khác.

- Đạo Hữu Huỳnh Trọng, (có sự góp ý của Hiền Đệ Đỗ Văn Thắng (QLD), đã sưu tầm tài liệu chính quy, trích soạn để in ấn các tập: "Bài thài hiến lễ", các quyển "Quan Hôn Tang Lễ", "Kinh Cúng Tứ Thời", v.v... Soạn Lịch Đạo năm Tân Mão (2021) để nhờ HĐ Trần Đại Thiện và Chiến in. Huỳnh Trọng còn trình bày (lay-out) Bản Tin Hòa Hiệp, để đưa lên trang mạng (online) và đích thân đem in thành tập (hard copies) để biếu cho đồng đạo.

 

• Các sinh hoạt khác:

- Vận động nhân sự cho các Hương Đạo: Cơ chế Hành Chánh Tộc Đạo thường thiếu nhân sự, nên luôn vận động đồng đạo tham gia các Hương Đạo, hầu tạo điều kiện thuận duyên trong việc lập công bồi đức. Xin quý đồng đạo tự nguyện góp sức theo khả năng sẵn có, trong kiếp sanh may duyên gặp Đạo.

- Hoãn Tổ Chức Đại Hội TĐCĐTĐUC: Năm nay, vì tình hình dịch bịnh, Tộc Đạo Sydney không thể tổ chức Đại Hội Tín Đồ Trấn Đạo Úc Châu được. Hy vọng sẽ gửi Thông Báo đến các Tộc Đạo để báo tin sau. Ngày giờ Đại Hội sang năm tới, cũng tùy thuộc vào tình hình cho phép.

- Khách viếng Thánh Thất: HT Nghiệp, Q Đầu Tộc Đạo và HT Giáo, Q. Quản Văn Phòng Trấn Đạo Úc Châu, cùng đồng đạo hân hoan đón tiếp Dân biểu Tony Burke và Cô Cựu Nghị Viên Đài Lê thăm viếng và tìm hiểu Đạo Cao Đài tại Thánh Thất NSW. Cuộc trao đổi khá lý thú về Giáo lý và việc hành Đạo của Tín Đồ Cao Đài cho những người dân cử cần biết.

- Liên giao hành đạo: Tộc Đạo Sydney luôn trợ duyên cho Hương Đạo Adelaide tân lập (Thánh Thất Two Wells) về tài liệu Đạo, phần nghi lễ và giáo lý, khi có nhu cầu. Đồng đạo Adelaide, dù ít người, nhưng rất kiên trì tâp họp và giữ Đạo do Hiền Tỷ Cựu CTS Nguyễn Kim Phụng và gia đình, từ hơn mười lăm năm trước. Nay, Hiền Đệ CTS Lê Văn Sáng và Đạo Hữu Nguyễn Văn Hùng, Trần Kim Hằng cùng các bạn đạo chính thức tạo lập ngôi thờ chung cho toàn đạo Adelaide. Ngôi thờ rất khiêm tốn, nhưng khá đầy đủ. Hy vọng với tâm thành và sự thương yêu, đoàn kết theo lời Thầy dạy, cơ Đạo nơi nầy sẽ phát triển mau chóng, hầu làm tròn câu ngũ nguyện.

- Họp bàn về "ViệtNam Requiem": theo tinh thần bức thư của Christopher Latham, nhạc sĩ làm việc tại War Memorial Australia (Canberra), gửi đến Thánh Thất NSW, xin được đến TT tiếp xúc với cộng đồng Cao Đài, để trình bày về buổi hòa nhạc "ViêtNam Requiem" (tạm dịch: "Nguyện cầu cho Việt Nam", ý nói về sự loạn lạc, chết chóc, đau thương do chiến tranh gây tang tóc cho dân tộc Việt). Buổi concert sẽ trình diễn tại Canberra vào ngày Chủ Nhựt, 06-06-2021, tại Llewellyn Hall at The ANU school of Music, Canberra.

Thưa chư Huynh Tỷ Đệ Muội,

Còn nhiều sinh hoạt khác, với sự đóng góp đáng kể của nhiều Tín Đồ Cao Đài cho Thánh Thất NSW và Điện Thờ Phật Mẫu, mà chúng tôi không thể kể đủ hết chi tiết, xin chư Hiền miễn thứ cho.

Tình hình dịch bịnh vẫn còn áp dụng việc hạn chế tiếp xúc. Song, với phương tiện truyền thông, xin hãy đừng "xa mặt mà cách lòng", vui lòng thường xuyên thăm hỏi nhau, trao đổi, học Đạo và chúc lành cho nhau, hầu giữ sự thù tạc trong tình Đồng Môn, linh sơn huyết nhục.

Cầu nguyện Đức Chí Tôn, Đức Phật Mẫu và Chư Thiêng Liêng ban bố tràn đầy hồng ân cho Huynh, Tỷ, Đệ, Muội cùng gia quyến an lạc.

Nay kính,

Văn Phòng Tộc Đạo Sydney

 

 


 

 


         
 

TIẾNG GỌI... HIỀN TÀI

   
 

 

Hiền tài ắt phải có tài ba,

Liệu thế tùy phương giúp nước nhà.

Có vị có ngôi trong xã hội,

Làm cho rõ mặt với sơn hà.

 
 

14-10-1970
LẠC NHÂN

   
 

(Trích THÔNG TIN số 15,
ngày 25-09 Canh Tuất, dl.24-10-1970, trang 13).

 
         
   

TÌNH MẸ ĐẠI TỪ

 
   

 

MẸ thương con trẻ! Thật bình yên,

MẸ dẫn con đi đến cõi hiền.

MẸ đợi con tu thành chánh quả,

Quyền năng trẻ định, chọn nhân duyên. (1)

Mẫu Từ ngày đợi chờ trông trẻ,

MẸ nhắn trường trai, bớt trược phiền.

Pháp ấy mở đường khai Trí Huệ,

Hằng sanh con bái Đức Huyền Thiên.

Mùa Thu ngày mới còn khuya,

Chơn thần tiếp Mẹ ở nhà cõi Thiên.

Thưa rằng: đường Đạo tầm duyên,

Duyên nơi cửa Phạm là thuyền Chí Linh.

Thiện lành đem gởi mảnh tình,

Khách trần nhủ dạ giữ gìn chơn tâm.

   

Thảo Vân Tiết Mạnh Thu. 12-03-2019

Ái Nhân

 
   

(1) Là quyền tự do dân chủ Thầy ban cho con cái của Thầy, được quyền tự chủ định đoạt lấy kiếp sanh của mình trong quả nghiệp. Quyền năng giải thoát đó nó cao trọng lắm! Nó vinh hiển lắm!

Đừng bao giờ từ bỏ cái quyền tự chủ mà Thầy đã ban cho. Mở cửa thiêng liêng đặng hay không là do ở chính mình. Hãy đi đến đó tự mở cánh cửa thiêng liêng diện kiến với quyền Chí Linh của THẦY mà đạt Pháp.

Ái Nhân
Cẩn bút.

         
 

THUYỀN TÂM

   
 

 

Qua lối mộng trăng tàn gió lặng,

Cõi phù sinh văng vẳng chuông ngân.

Thuyền neo giữa chốn bụi trần,

Cửa Không, tĩnh mịch định thần tầm chơn.

 

Chơn thật với lòng mở khối linh,

Khối linh Thánh chất nhớ luôn gìn.

Tồn tâm dưỡng tánh vun vườn hạnh,
Phẩm cách thoát trần Đạo Đức xinh.

 

Xinh vạn vật Trời ban tình ái,

Bởi ưu sanh nên trải lòng thương.

Chuyển luân ở cõi vô thường,

Theo dòng tấn hóa vào đường Hằng Sanh.

 

Sanh tử luân hồi, tạo pháp thân,

Khí Linh trong trẻo đẹp Chơn thần.

Đài Vân, điễn chiếu cung Trời rạng,

Rực rỡ, vô cùng phục Đức chân.

 

Chân Trời mở, Trời cao, cao thẳm,

Liễu bên non, liễu thấm tình non.

Hồn quê in dấu trăng tròn,

Ở nơi quán tục mỏi mòn nhớ ngôi.

 

Ngôi vị thiêng liêng vẫn đợi chờ,

Tỉnh trong giấc mộng, đoạn trần mơ.

Trường thi khổ hạnh, vui mùi Đạo,

Bát Nhã thuyền đưa đến bến bờ.

 

Bờ giác ngạn cảnh Không bát ngát,

Cửa Tu chơn tâm đạt Từ duyên.

Chí chơn, chí thiện, chí hiền,

Quyền năng giải thoát diệu huyền Chí Linh.

 

Linh ái nguồn ân dưỡng dục ban,

Chúng sanh nhuần gội cõi Thiên nhàn.

Phục Linh tánh Phật, tòa Tâm ngự,

Nguyên Đức trọn lành, Cực Lạc an.

 

Thuyền Tâm nhẹ lướt Trần Kiều...

 
 

Quán Trần Úc Quốc.
Ngày 15 tháng 8 năm Bính Tuất
(DL. 06-10-2006)

Ái Nhân

   
         

 


 

 

Gương xưa - Tích củ

Nguyên Chương

 

* Tống Hoằng

Trong Kinh Hôn Phối của Tôn giáo Cao Đài có câu:

“Tua đúc cơm, sửa dải làm duyên.”

TUA ĐÚC CƠM: Sự yêu thương cũng như tấm lòng chung thủy của ông Tống Hoằng như một sự giáo hoá, gương mẫu đối với các đôi uyên ương son trẻ mới kết duyên vợ chồng.

Tống Hoằng làm quan Đại Phu dưới triều Quang Vũ Hoàng Đế nhà Đông Hán nước Trung Hoa (25-56 sau công nguyên), là một vị quan chánh trực và có tình có nghĩa. Vợ của Tống Hoằng chẳng may phải bệnh mù loà, vì thế ngoài thời gian vào triều lo việc nước, ông dành hết thời gian về nhà lo việc giúp vợ mình, cũng như nấu cơm và đút cho vợ mình ăn uống hằng ngày. Việc quan, việc nhà ông luôn song toàn và hết mực chung thủy, yêu thương người vợ bệnh tật.

Hán Quang Vũ Đế có người chị là Hồ Dương Công Chúa đã sớm góa chồng. Vì rất cảm tấm lòng và sự chung thủy của Tống Hoằng nên bà bảo rằng chỉ chịu tái giá với người như Tống Hoằng mà thôi. Vua Hán Quang Vũ nghe vậy nên cho gọi Tống Hoằng vào triều yết kiến và hỏi:

Ngạn vân: Quý dịch giao, phú dịch thê, hữu chư ? (Ngạn ngữ nói rằng: Sang đổi bạn, giàu đổi vợ, có phải chăng?).

Tống Hoằng tâu với vua rằng:

Thần văn: Bần tiện chi giao mạc khả vong, tào khang chi thê bất khả hạ đường. (Thần nghe: bạn bè thuở nghèo hèn chớ nên quên, người vợ đầu ấp chớ để nhà sau.)

Vua Hán Quang Vũ và Hồ Dương Công Chúa nghe vậy rất kính phục Tống Hoằng và bỏ ngay ý định của mình.

Trong “Nữ Trung Tùng Phận” của Bà Đoàn Thị Điểm (câu 569) có ca ngợi tấm gương của Tống Hoằng như sau:

“Tống Hoằng chí trượng phu không đổi,
Giữ nhơn luân sợ lỗi đạo hằng.
Từ duyên công chúa giao thân,
Đút cơm vợ quáng ân cần dưỡng nuôi.”

 
 

* Giả Trực Ngôn

Trong Kinh Hôn Phối của Tôn Giáo Cao Đài có câu:

“Ôm bình, bao tóc sang hèn cũng cam.”

Trong Kinh Tụng Khi Chồng Quy Vị cũng có câu:

“Thiếp cam bao tóc thờ chàng,”

BAO TÓC: Mái tóc cũng là một biểu tượng về nét đẹp, nhất là đối với phái nữ. Vì vậy, ngày xưa những người phụ nữ có chồng phải đi xa, hay những người phụ nữ góa chồng thường hay dùng một tấm vải lụa vấn tóc mình lại cho xấu đi để tránh bớt sự để ý dòm ngó ham thích của nam phái, hầu giữ được tấm lòng trung trinh tiết liệt của người làm vợ.

Vào thời nhà Đường bên Trung Hoa có người làm quan tên Giả Trực Ngôn, vì mắc tội với vua nên phải bị đày đi Lãnh Nam mất 20 năm. Thời gian lưu đày quá dài, khó biết trước việc sống chết hay ngày về nên trước khi đi ông nói với vợ mình:

“Nay tôi giao quyền sở hữu lại cho nàng, đặng nàng chọn tấm chồng khác nương nhờ tấm thân về sau.”

Người vợ nghe vậy bật khóc, rồi lấy một tấm lụa trắng bao mái tóc mình lại thật chặt và bảo người chồng viết lên ấy mấy chữ: “Phi quân thủ bất giải.” Ý muốn nói là không phải chính tay chồng thì không được mở ra.

Hai mươi năm sau, ông Giả Trực Ngôn mãn hạn lưu đày trở về gặp lại người vợ năm xưa, dải lụa trắng trên đầu và dòng chữ viết dầu đã phai màu nhưng vẫn còn nguyên vẹn. Ông lấy nước ấm định gội tóc cho vợ mình thì ôi thôi mái tóc người vợ đã rụng hết. Tấm lòng trinh tiết thật đáng khen và thật đáng làm gương cho đời sau.

NGUYÊN CHƯƠNG.

 

(Tài liệu sưu tầm: Kinh Thế Đạo ĐĐTKPĐ, Nữ Trung Tùng Phận Bà Đoàn Thị Điểm, Chú giải Kinh Thế Đạo H/T Quách Văn Hoà, Giải Nghĩa Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo H/T Nguyễn Văn Hồng).◙

 

Cưỡi trâu thong thả trở về nhà,
Tiếng sáo vi vu tiễn vãn hà.
Một nhịp một ca vô hạn ý,
Tri âm nào phải động môi à.

Nguồn: http://vi.wikipedia.org/wiki/
(Thập mục ngưu đồ)

 

 


 

 

CÔNG ĐỨC SINH THÀNH

Mộc Lan

 

Khi nói đến tình yêu thương của đấng tạo hóa là đề tài muôn thuở không bao giờ phai nhạt cho những người con hiếu đạo.

Trong chúng ta luôn luôn thọ ân hai đấng:

1/ Cha Mẹ vạn linh "Thiêng Liêng".

2/ Cha Mẹ phàm trần "hữu hình".

Chúng ta có được hình hài là nhờ ơn sinh dưỡng của cha mẹ hữu hình. Linh hồn và khí phách là do sự thương yêu của Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu ban cho. Nhứt điểm Khí là phần trí thức tinh thần do "Đức Phật Mẫu ban cho". Nhứt điểm Linh là phần linh hồn do "Đức Chí Tôn ban cho".

Tình thương yêu của hai bậc Cha Mẹ "Thiêng Liêng và Hữu Hình" đối với con cái cũng không khác gì nhau, nhưng cũng có thể nói sự thương yêu và lo lắng của hai đấng Thiêng Liêng sẽ bội phần hơn, bởi vì cha mẹ phàm, sinh ra chúng ta chỉ một kiếp, tính chừng "Ba Vạn Sáu Nghìn Ngày". Còn cha mẹ Thiêng Liêng thương yêu cưu mang chúng ta "Vô Số Kiếp".

Cũng vì thương yêu chúng ta, nên Đức Chí Tôn lấy đức háo sanh mà lập nên Tam Kỳ Phổ Độ để cứu vớt những kẻ hữu phần vào nơi địa vị cao thượng hầu khỏi số mạng luân hồi, và nâng đỡ bậc Thánh đức bước vào cõi thanh nhàn cực lạc trong lúc chung qui.

Mặc dù thương yêu con, nhưng luật Thiên điều Ngài vẫn phải định. Không thể coi kẻ có tội là vô tội được, cho nên người làm lành thì gặp phước đức, kẻ làm ác thì bị quả báo đọa đày. Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu dù có thương yêu bao nhiêu cũng không thể cho qua luật qui luật ấy.

Còn tình thương yêu của Đức Phật Mẫu đối với chúng ta, cũng y như bà mẹ hiền từ luôn khắc khoải lo lắng vì con ở thế gian.

Riêng thương Kim Mẫu khóc thầm,
Biển trần thấy trẻ lạc lầm bấy lâu.
Đòi phen mẹ luống u sầu,
Cũng vì tà mị dẫn đường con thương.

(Kinh Tán Tụng Công Đức Diêu Trì Kim Mẫu)

Vì thương con cái bị mê luyến hồng trần, mến mùi chung đỉnh mà quên ngôi xưa vị cũ của mình.

Thế nên:

Từ Vô Cực vào trong giới cảnh,
Mới để tâm so sánh Tiên Phàm.
Chẳng trừ ô trược dương gian,
Vì thương trẻ mới băng ngàn viếng thăm.
(*)

Cho dù các con có mê lầm để cho tà mị dẫn đường, song nếu chúng ta hồi đầu hướng thiện lập nên công đức thì Đức Phật Mẫu ân xá đem về lại con đường Hằng Sống.

Ngồi trông con Đặng phi thường,
Mẹ đem con đến tận đường hằng sanh.

(Kinh Tán Tụng Công Đức Diêu Trì Kim Mẫu)

Có một điều trong chúng ta ít ai để ý tới, đó là hằng ngày chúng ta sống bằng Khí Sanh Quang của Đức Phật Mẫu ban cho mà chúng ta không hề biết.

Phật Mẫu Chơn Kinh có câu:

"Sanh quang dưỡng dục quần nhi,..."

Vì thế tính chất mẹ hữu hình thế nào thì tính chất của bà mẹ Thiêng Liêng cũng hiện y nguyên như vậy.

Nhưng có phần yêu ái, bảo trọng và sự công bằng chặt chẻ hơn. Bởi vì, đối với Đức Phật Mẫu con người không phân biệt đẳng cấp, sang hèn, thượng hạ, mà chỉ đồng con mà thôi.

Thế nên đứng trước Phật Mẫu tất cả đều phải "Bạch Y" khi về với Mẹ.

Mẹ hữu hình của Mộc Lan cũng thường nói:

"Các con đều một bụng mẹ sanh ra, cho nên tình thương yêu mẹ giành cho các con không hơn không kém. Nhưng có đôi khi mẹ thường ưu tiên lo lắng cho những đứa con kém may mắn hơn mà thôi".

Lời mẹ kể:

"Mộc Lan là đứa con mẹ đã từng cầu khấn với Đức Phật Mẫu và các Đấng Liêng Liêng xin ban cho mẹ một đứa con gái. Và lời ước của mẹ đắc thành, cũng vì thế mà mẹ mới hao tài tổn sức.

Bởi vì, khi Mộc Lan chào đời rất khó nuôi vì sức khỏe rất yếu, tưởng chừng như không thể tồn tại trên cõi đời này. Vì quá thương con nên ba mẹ dốc hết sức lực và gia tài để cứu con.

Bác sĩ bỏ chạy thì qua đông y, mật gấu, sừng nai, răng cọp, những thứ quý hiếm nào khi được nghe chữa khỏi, là ba mẹ đều băng rừng lội suối để tìm về cho con.

Ban đêm con không thở được, ba mẹ lại thay phiên nhau vác con trên vai, cho đến khi con lên 10 tuổi thì mới hết".

Mười năm là sự đọa đày mà con đã tạo ra cho ba mẹ, công ơn đó con nguyện sẽ đền đáp, bằng cách con bước vào con đường lập công bồi đức, như Mẹ hằng mong ước.

Lời ru của mẹ:

Mẹ ngồi niệm Mẫu ru con,
Ầu ơ... nhịp võng xoay tròn Hồng Danh.
Tháng tám nhẹ tỏa trăng thanh,
Thăng trầm điệu hát niệm danh đủ đầy.
Bát tự mẹ kết rất hay,
Nam Mô thiện niệm Diêu Trì Mẫu ban.
Con ơi! Con ngủ cho ngoan,
Mẹ cầu Phật Mẫu rưới ban điển lành.
Ngày sau con được Tinh Anh,
Bồ Đề hé nở kết thành hoa tâm.
Nằm trong chiếc võng Thiên ân,
Con mau chóng lớn cứu nhân độ đời.

Mộc Lan
Cẩn Bút
24/7/2020 (Âl. 04-06-Canh Tý)

Ghi Chú:
(*) Đức Phật Mẫu giáng cơ tại Trí Huệ Cung, đêm 7 tháng 1 năm Tân Mão (Dl. 12-2-1951).
Trích từ Trí Huệ Cung - Phạm Môn tái bản ngày 15 tháng 9 năm Quí Sửu (1973) trang 28.◙

 

 


 

 

Món Quà Vô Giá Của Mẹ

Lê Phong

 

Theo hướng dẫn của quý vị Chức Sắc, Chức Việc Bàn Trị Sự trong những ngày giờ Mẹ chúng tôi sắp lâm chung anh em chúng tôi thường bắt những đoạn video kinh Đạo Cao Đài cho Mẹ xem và nghe. Những bài kinh Mẹ thường được xem và nghe là Kinh Tứ Thời, Kinh Di Lặc, Kinh Cứu Khổ. Nhắc lại chuyện xem và nghe kinh của Mẹ, có lẽ trọn đời này tôi sẽ không bao giờ quên được mấy buổi chiều khoảng nửa tháng trước khi Mẹ mất. Dù trong người yếu lắm rồi nhưng mỗi khi gượng ngồi dậy nổi thì Mẹ thường nhờ chúng tôi dùng xe lăn đẩy Mẹ lại ngồi trên một cái trường kỷ đặt trước bàn thờ Đức Chí Tôn. Chúng tôi lên đèn, châm trà nước, thắp nhang và bắt video kinh Dậu Thời và kinh Di Lạc, rồi mấy Mẹ con ngồi xem và nghe cho đến hết. Trước đó dù đau bệnh, cử động khó khăn Mẹ vẫn năng cúng kiếng cho đến nỗi khi không có chúng tôi ở cận kề trong nhà, Mẹ vẫn thắp nhang và có một chuyện không hay xảy ra. Đó là có một lần Mẹ thắp nhang và loay hoay thế nào đó mà bức bình phong bằng gỗ dựng trước bàn thờ Đức Chí Tôn ngã ập vào người. Thân Mẹ yếu ớt mà còn bị bức bình phong đó làm cho đau đớn thêm. Nghe Mẹ kể lại chuyện này mà lòng tôi hết sức xốn xang.

Anh em chúng tôi thường xuyên bắt kinh cho Mẹ nghe, nhiều đến độ mà bây giờ nhắc lại tôi vẫn còn nhớ khung cảnh lúc Mẹ hấp hối. Dù không biết trước thời điểm chính xác nhưng chúng tôi đoán được khoảng thời gian Mẹ sẽ mất. Đó là nhờ vào sự tham khảo kinh nghiệm của những anh chị em bạn bè có người thân mất. Từng cử chỉ, từng tiếng động của Mẹ lúc hấp hối đều được chúng tôi quan tâm và bàn thảo kỹ lưỡng. Do chúng tôi được chăm sóc Mẹ ngay tại tư gia nên mấy ngày trước khi Mẹ mất, dù đêm hay ngày thì phòng của Mẹ luôn có một hai người trong anh em chúng tôi túc trực. Tối hôm đó anh em chúng tôi đoán Mẹ sẽ trút hơi thở cuối cùng nên ngoài kinh Tứ Thời, kinh Di Lạc và kinh Cứu Khổ, chúng tôi thỉnh thoảng bắt thêm lời niệm danh Đức Chí Tôn cho Mẹ nghe. Mấy anh em, vợ chồng chúng tôi ngồi quanh Mẹ trò chuyện và trải qua những giây phút vô cùng thiêng liêng, xúc động. Khoảng một hoặc nửa tiếng trước khi Mẹ mất thì internet trong nhà có trục trặc gì đó mà không tải hình ảnh, âm thanh liên tục được nên chúng tôi phải dùng đến điện thoại để bắt lời niệm danh Đức Chí Tôn cho Mẹ nghe và từ giã cõi trần. Hình ảnh của Thiên Nhãn và câu niệm Nam Mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát bị khựng lại một chỗ trên màn ảnh máy truyền hình và mấy anh em chúng tôi cứ để y như vậy mà không tắt đi.

Do biết rằng chứng bệnh của Mẹ hiểm nghèo và đặc biệt là khoảng một tháng hoặc một tuần trước khi Mẹ mất các y bác sĩ cũng chẩn đoán trước nên tôi chuẩn bị tinh thần, tâm lý thật kỹ lưỡng để đón nhận hậu sự của Mẹ. Tôi thật khác so với mấy người anh em trong nhà. Đó là trong khi họ xúc động nghẹn ngào tại tang lễ của Mẹ, thì tôi hầu như không có. Trước khi Mẹ mất, tôi thường tâm sự với vợ, với các em tôi rằng có lẽ Mẹ mất tôi sẽ khóc nhiều lắm. Tuy nhiên, tôi lại khẳng định rằng vì tình thương Mẹ quá nhiều nên khi Mẹ mất thì chuyện khóc đối với tôi là quá bình thường. Không khóc, không nghẹn ngào, nức nở thì mới thể hiện được mức độ thâm sâu của tình cảm tôi dành cho Mẹ. Ngoài ra, dù ba mươi mấy năm trôi qua nhưng tôi vẫn nhớ rõ là khi Ba tôi mất tôi khóc rất nhiều, rất phẫn uất. Tôi khóc thương tiếc Ba một phần, phần khác tôi khóc vì những bệnh tật mà Ba mắc phải trong chốn lao tù cộng sản!... Thế mà tôi hầu như không khóc, không nghẹn ngào như các em tôi thật. Đây không phải là vì tôi hay ho hoặc mạnh mẽ như tôi từng tâm sự với họ trước đó. Bây giờ, thỉnh thoảng hồi tưởng lại hình ảnh của Mẹ hoặc kỷ niệm với Mẹ tôi vẫn không sao cầm được nước mắt. Có vài lúc, khi ở một mình, tôi nghẹn ngào và tự hỏi trong tâm trí là: “Mẹ ơi, Mẹ đi đến đâu rồi, Mẹ ra sao rồi Mẹ ơi?”. Tôi vẫn còn bàng hoàng như vừa trải qua một cơn ác mộng. Những ngày Mẹ lâm bệnh, dù Mẹ ở nhà hay nằm trong bệnh viện, thì khoảng bảy hoặc tám giờ nếu không đến thăm được thì tôi thường gọi điện thoại vấn an Mẹ. Bây giờ mỗi khi đến thời điểm đó, tôi thỉnh thoảng vẫn thắp một nén nhang để tưởng nhớ đến vong linh của Mẹ. Vậy mà tôi không hề khóc vào mấy thời điểm xúc động trong tang lễ. Tôi nghĩ một trong những lý do khiến tôi không quá bi ai đó là vì tôi từng rơi nước mắt thương tiếc Mẹ ngay cả khi Mẹ còn chưa mất! Chỉ nghĩ đến chuyện Mẹ mất là tôi buồn lắm rồi. Lý do thứ hai, tôi biết chắc chắn rằng tôi rất dễ xúc động nên tôi phải tập trung chú ý vào một chuyện gì đó, và cách hay nhất tôi nghĩ là học thuộc kinh và nương nhờ những lời kinh để quán tưởng lẽ vô thường sanh diệt. Thế là trước khi Mẹ mất tôi tìm đọc quyển Nghi tiết Quan Hôn Tang lễ và dần dần học thuộc một số bài kinh mà tôi biết sẽ được Đồng Nhi tụng; đó là kinh Cầu Hồn Khi Hấp Hối, kinh Khi Đã Chết Rồi, kinh Tẩn Liệm, kinh Cầu Siêu, kinh Cầu Tổ Phụ Đã Qui Liễu, kinh Đưa Linh Cửu, kinh Hạ Huyệt, kinh Khai Cửu và chín bài kinh tuần Cửu khác. Quả đúng như tôi hy vọng, các bài kinh này giúp tôi an định được tâm trí của mình trong gần suốt tang lễ.

Học thuộc hết các bài kinh nêu trên không hề dễ dàng. Hầu có thể dễ nhớ hơn, tôi vừa học vừa tìm hiểu ý nghĩa của từng câu, từng đoạn. Một trong những cách học kinh dễ dàng hơn nữa là thường đi cúng. Lúc đó, không học thuộc thì những lời kinh, tiếng niệm nghe hoài cũng tự thấm vào tâm trí mình. Nhưng thuộc kinh theo lối dễ dàng này, có khi lại không hiểu ý nghĩa. Thành ra, nhờ hậu sự của Mẹ mà tôi có được dịp may mắn học hỏi thêm về kinh kệ, giáo lý của Đạo Cao Đài. Ngoài các bài kinh, tôi còn tìm hiểu ý nghĩa của việc niệm danh Đức Chí Tôn hay Đức Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát bởi vì đây là lời kinh, tiếng niệm cuối cùng mà Mẹ tôi nghe.

Có lẽ nhiều người, quý vị cao niên cũng như quý vị tín hữu Cao Đài đều biết rằng bên Đạo Phật có một pháp môn được gọi là Pháp môn Tịnh Độ. Pháp môn này hiểu một cách đơn giản nhất là pháp môn niệm Phật A Di Đà. Hằng ngày Phật tử bất cứ lúc nào cũng nghĩ tới các hạnh lành của Phật và miệng lúc nào cũng niệm danh Phật, với ước nguyện là khi vãng sanh thì linh hồn sẽ được về Cực Lạc Thế Giới.

Pháp môn này được căn cứ vào lời nguyện của Đức Phật A Di Đà là bất cứ chúng sanh nào đang lúc hấp hối mà còn bình tĩnh niệm Nam Mô A Di Đà Phật thì sẽ được Ngài phóng điển quang rước về Tây Phương Cực Lạc... Trong kinh điển Phật giáo lưu truyền lại, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni có dạy rằng sau khi Ngài nhập diệt, vào thời kỳ mạt pháp người tu theo Phật qua các pháp môn khác rất khó thù thắng hoặc chứng ngộ được, nhưng nếu thực hành pháp môn niệm Phật thì có thể được cứu rỗi về cõi Cực Lạc.

Pháp môn nêu trên về phương diện tâm linh, hay theo luật nhân quả có thể được giải thích rằng con người ai cũng có cái Tâm và rèn luyện cái Tâm là điều hết sức quan trọng đối với người tu. Tâm con người là nơi gieo trồng hạt giống nhân quả, vì mỗi một niệm tốt khởi lên trong tâm là chúng ta gieo được một hạt giống tốt, còn một niệm xấu hiện lên là chúng ta gây ra một quả xấu. Như vậy, mỗi một niệm tham, sân, si nổi lên trong tâm thì cái quả sẽ là thọ sanh vào cõi địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh v.v... Như vậy, trong tâm tốt hơn hết là lúc nào cũng niệm Phật để sau này có thể t̉họ sanh về cõi Phật. Khi trong tâm ta cứ loại trừ hết những vọng niệm mà chỉ còn giữ lại một chánh niệm là cầu Phật, hướng đến Phật thì sẽ có cảm ứng với chư Phật là điều tất nhiên.

Về vấn đề này, một vị Chức Sắc Hiệp Thiên Đài là Hiền Huynh Ban Thế Đạo Mai văn Tìm nghĩ rằng trong Đạo Cao Đài chúng ta không có hay chưa có phân chia ra từng pháp môn một cách rõ rệt, hay đúng hơn chúng ta chỉ phân biệt một bên là phổ độ, một bên là tịnh luyện. Nhưng đây không hẳn là pháp môn mà chỉ là hai giai đoạn trên đường tu của người tín đồ Cao Đài. Hiền Tài Tìm nhắc lại lời thuyết giảng của Đức Hộ Pháp trong một bài viết về lợi ích của việc niệm danh Đức Chí Tôn rằng khi một tín hữu Cao Đài muốn vào nhà tịnh để được chơn sư chỉ dạy tịnh luyện thì người tín hữu đó phải trải qua sự cân thần để xem người đó có đủ tam lập tức là lập đức, lập công, lập ngôn chưa. Chỉ khi nào có đủ tam lập thì sự tịnh luyện mới có kết quả tốt còn nếu chưa đủ thì phải lo lập công quả thêm nữa tức là phải lo hành đạo qua việc phổ độ chúng sanh.

Lợi ích của việc vào nhà tịnh trong đạo Cao Đài do đó gần tương tự như lợi ích của việc tụng Chú Đại Bi bên đạo Phật. Đại Bi Thần Chú gần như chỉ ích lợi cho các vị tăng ni đạo cao, đức trọng chứ với đa số hành giả Tiểu Thừa hoặc những cư sĩ tại gia thì chú Vãng Sanh thích hợp hơn. Vãng Sanh Thần Chú có tên đầy đủ là Bạt nhất thiết nghiệp chướng căn bản đắc sanh Tịnh độ Đà la ni. Đà La ni trong tiếng Phạn có nghĩa là thần chú hoặc tổng trì. “Tổng” là gôm thâu tất cả các pháp, “Trì” là vô lượng nghĩa. Có nghĩa là thần chú tuy có vài chữ, nhưng có thể bao gồm hết thảy ý nghĩa của Phật Pháp, cho nên thần chú có công đức vô lượng. Vãng Sanh Thần Chú có công năng phá trừ tất cả nghiệp chướng căn bản, để được vãng sanh về Cực Lạc. Chú Vãng Sanh có được là do hạnh nguyện của Đức Phổ Hiền Bồ Tát. Theo kinh sách bên đạo Phật, Bồ Tát Phổ Hiền vì thương xót chúng sanh thời mạt pháp nên lập ra chú này để trợ duyên cho phật tử được mau vãng sanh về cõi Tịnh Độ. Theo kinh Niệm Phật Ba La Mật, Bồ Tát Phổ Hiền thưa với Phật Thích Ca rằng: “Thưa Thế Tôn! Con nay vì thương tưởng chúng sanh thời mạt pháp, khi ấy kiếp giảm thọ mạng ngắn ngủi, phước đức kém thiếu, loạn trược tăng nhiều, kẻ chân thật tu hành rất ít. Con sẽ ban cho người niệm Phật thần chú Đà La Ni này để thủ hộ thân tâm, nhổ tận gốc rễ nghiệp chướng, trừ sạch phiền não, được mau chóng sanh về Cực Lạc, gọi là Bạt nhất thiết nghiệp chướng căn bản đắc sanh Tịnh Độ Đà la ni.”

Ngoài ra, trong đạo Cao Đài chúng ta tuy không có trì niệm đích danh Đức A Di Đà Phật, nhưng chúng ta lại niệm danh rất nhiều những vị Phật khác qua bài kinh Di Lạc do Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giáng cho. Mục đích của bài Di Lạc Chơn Kinh là để “Độ tận Vạn Linh hoặc Độ tận Chúng Sanh đắc qui Phật vị”. Đức Phật Thích Ca nhấn mạnh rằng: “Những người nào thành tâm nghĩ đến những vị Phật (trong bài Di Lạc Chơn Kinh) và tuân theo luật Tam Kỳ Phổ Độ đều sẽ đạt được trạng thái sáng suốt như Phật”. Điều này có nghĩa là những người Phật đề cập đến sẽ giác ngộ, giải thoát và đắc quả như Ngài. Về mặt Bí Pháp, Thánh Ngôn dạy rằng, tụng Di Lạc Chơn Kinh là chúng ta giúp cho chơn hồn của người quá cố giác ngộ thêm một bậc. Chúng ta càng tụng nhiều lần, càng giúp cho chơn hồn mạnh mẽ tiến bước trên Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống. Đây là lý do tại sao chúng ta, đặc biệt là những người sinh sống ở vùng Thánh Địa Tây Ninh, thường thấy các đồng đạo mỗi khi tham dự một đám tang vào ban đêm thường hợp lại với nhau thành nhiều nhóm và lần lượt tụng kinh Di Lạc cho đến trước khi cúng thời Tý vào giữa khuya; và vào mỗi tuần Cửu, sau khi tụng kinh Tứ Thời, kinh Khai Cửu và tuần Cửu, chúng ta liền tụng Di Lạc Chơn Kinh.

Trở lại pháp môn Tịnh độ, Hiền Huynh Tìm nghĩ rằng tuy chúng ta không có hẳn một pháp môn rõ rệt như thế trong Đạo Cao Đài nhưng nếu chúng ta để tâm suy gẫm qua Thánh giáo, qua lời Thuyết Đạo của Đức Hộ Pháp, chúng ta sẽ thấy một pháp môn tương đồng với Pháp môn Tịnh độ của nhà Phật. Chúng ta có thể nói đây là pháp môn Tịnh độ của Đạo Cao Đài.

Thật vậy, trong quyển Lời Phê của Đức Phạm Hộ Pháp, Đức Ngài có viết rằng: “Đức Chí Tôn là Đại Từ Phụ khi đến độ Bần Đạo, Bần Đạo có hỏi về phương Tận độ các vong linh nhân loại thì có nói quả quyết như vầy: Dầu cho kẻ nào phạm tội dẫy đầy mặt đất mà khi hấp hối rồi chỉ kêu lấy danh Ta thì cũng đặng siêu thoát”.

Cụm từ Tận Độ rất quen thuộc trong Đạo Cao Đài như: kinh Tận Độ vong linh, cơ Tận Độ..., ám chỉ đây là thời kỳ Đức Chí Tôn đến ân xá tội tình, tạo điều kiện dễ dàng cho nhơn sanh tu hành ngõ hầu độ cho hết ̣chín mươi hai ức Nguyên nhân, và cả Hóa nhân hay Quỷ nhân nếu biết tu hành đều được đắc quả trở về Cõi Thiêng Liêng Hằng Sống...

Tại sao phương cách tận độ mà Đức Chí Tôn dạy Đức Hộ Pháp trong trích đoạn nêu trên lại đặc biệt liên can tới việc kêu lấy danh Thầy, tức là niệm Nam Mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát lúc hấp hối? Việc này có ảnh hưởng huyền diệu đến linh hồn như thế nào thì chúng ta còn chưa xác quyết rõ ràng nhưng theo kinh sách xưa nay chỉ dạy giờ phút lâm chung của con người cực kỳ quan trọng. Trong giờ phút ấy mà người nào còn tỉnh táo tưởng niệm, miên mật cầu nguyện Đức Chí Tôn cùng các Đấng Thiêng Liêng cứu độ vong hồn thì sẽ được hưởng hồng ân siêu rỗi của các Đấng. Chính vì vậy mà trong những bài kinh Tận độ vong linh của Đạo Cao Đài có bài Cầu Hồn Khi Hấp Hối:

Ớ...(tên họ người bệnh)… thành tâm cầu nguyện,
Nguyện Chí Tôn linh hiển độ sanh.

Ăn năn sám hối tội tình,
Xét câu Minh thệ gởi mình cõi thăng.
Dầu nghiệt chướng số căn quả báo,
Đừng hãi kinh cầu đảo Chí Tôn.

Cửa Địa ngục khá lánh chơn,
Ngọc Hư Cực Lạc đon đường ruổi dong.
Dầu trọn kiếp sống không nên Đạo,
Dầu oan gia tội báo buộc ràng.
Chí Tôn xá tội giải oan,
Thánh Thần Tiên Phật cứu nàn độ vong.

Trong quyển Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống, Đức Hộ Pháp thuyết giảng đêm Mười Hai tháng Hai năm Kỷ Sửu có đoạn đặc biệt giảng về ý nghĩa của việc niệm danh Đức Chí Tôn như vầy: “Hỏi thử tội tình của chúng ta đã làm trong kiếp sanh, Đức Chí Tôn để trong phương pháp nói rằng: Tội tình các con đầy dãy nơi mặt địa cầu này mà đến giờ chót các con biết kêu danh Thầy thì Thầy đến cứu. Thầy đem Bí Pháp giải thoát để trong tay các con đặng các con đoạt chơn pháp giải thoát đó vậy. Kêu danh Thầy là: Nam Mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát. Chúng ta đã ngó thấy Bần Đạo thuyết minh rằng: Khi ngươn linh của chúng ta đã hiện tượng của nó, thì nó đồng tánh với càn khôn vũ trụ, đồng tánh với Chí Linh là đoạt Đạo. Càn khôn vũ trụ là nơi sản xuất Đấng ấy đồng tánh với nhau tức nhiên Đấng ấy có quyền tự giải thoát cho mình, vì cớ cho nên kêu danh Đức Chí Tôn thì đoạt cơ giải thoát dầu tội tình bao nhiêu chúng ta đã tạo thành nơi mặt địa cầu này, dầu có đầy dãy đi nữa mà giờ chót chúng ta biết kêu danh Đức Chí Tôn, tức nhiên biết kêu Ngươn linh của chúng ta, tức nhiên chúng ta chối cái quyền làm tòa buổi chung quy của chúng ta. Hễ ta chối cái quyền làm tòa thì còn ai xử ta đâu. Đấng Chí Linh duy chủ mà để quả kiếp trong tay Đấng Chí Linh thì còn ai xử ta đâu, cơ quan giải thoát đoạt pháp là vậy đó”.

Nhưng chỉ niệm danh Đức Chí Tôn hoặc Đức A Di Đà Phật trong giờ phút hấp hối thì liệu có đơn giản, dễ dàng quá chăng? Ai lại làm không được! Như thế chúng ta cứ gây ra muôn vàn tội lỗi, chúng ta không cần phải tu tập gì cả vì không cần tu thì cũng được cứu độ? Nghĩ như thế chớ không phải dễ thực hiện bởi vì trong sinh thời nếu chúng ta không thường xuyên tu hành, hướng thiện thì lúc lâm chung linh hồn bị nghiệp lực, cũng như thể xác bị bệnh tật, làm cho hôn mê, đau đớn còn đâu tỉnh thức để trì niệm.

Cho nên lúc sinh thời chúng ta cố gắng tu tập, lập phước đức, âm chất, siêng năng cúng kiếng hàng ngày, cầu nguyện Đức Chí Tôn, Đức Phật Mẫu cùng các Đấng Thiêng Liêng ban hồng ân, điển lành cho chơn thần chúng ta được mẫn huệ, sáng suốt. Đồng thời thường tụng kinh Di Lạc, kinh Cứu Khổ hầu tiêu trừ nghiệp chướng. Một công trình tu tập, tụng niệm thường xuyên như thế thì may ra đến buổi lâm chung chúng ta mới có đủ bình tĩnh, sáng suốt tinh thần mà niệm danh Đức Chí Tôn được.

Còn về chuyện tôi tụng kinh thì cũng có hai lý do. Lý do thứ nhất là tôi muốn tăng sự tập trung bằng cách tự tụng theo Đồng Nhi và dùng lời kinh, câu chú để quên đi nỗi buồn, tức là quán niệm. Đặc biệt, tôi biết tôi sẽ rất xúc động khi quý vị Chức Sắc và chư đồng Đạo đóng nắp quan tài của Mẹ, tức lần cuối cùng tôi nhìn thấy được người Mẹ sinh của tôi bằng xương bằng thịt. Kế đó, theo kinh nghiệm thì tôi biết tôi sẽ xúc động mạnh khi quỳ tế Mẹ. Cuối cùng, tôi sẽ xúc động mạnh không kém khi Đồng Nhi tụng bài Kinh Hạ Huyệt, bởi vì kể từ lúc bức màn ở nhà hỏa thiêu khép lại thì tôi sẽ không bao giờ thấy được thi thể toàn vẹn của Mẹ nữa. Lý do thứ hai là tôi nghĩ rằng những lời kinh giống như những lời nói tốt đẹp để chia tay, tiễn biệt Mẹ. Thay vì hoàn toàn nhờ vào Đồng Nhi hoặc Đồng Đạo khác tụng, thì chính tôi tụng có thể sẽ thành tâm hơn, sẽ có sự liên hệ gần gũi hơn và cũng bày tỏ được lòng hiếu kính. Nếu vong linh của Mẹ có linh hiển cảm ứng, chứng chiếu, Mẹ sẽ vui vẻ và hài lòng khi thấy tôi đọc những bài kinh của một tôn giáo mà Mẹ từng dành ra nhiều năm để tu tập và phụng sự. Còn bài Kinh Khai Cửu và Kinh các tuần Cửu khác, tôi muốn tụng là vì tôi muốn đích thân dõi theo những chặng đường mà Mẹ sẽ đi qua trên hành trình trở về Cõi Thiêng Liêng Hằng Sống. Theo Tân Luật Đạo Cao Đài, mỗi một tín đồ nếu giữ được ít nhất 10 ngày trai giới thì khi quá vãng sẽ được Cửu Vị Nữ Phật, Phật Mẫu và chư Phật khác dẫn đường, mở lối về cõi Thiêng Liêng. Tôi căn cứ theo lời giảng dạy đó hầu suy đoán hành tàng của một chơn linh mà tôi đã từng được diễm phúc gọi là Mẹ nơi cõi sinh này. Ngoài ra, chúng ta cũng nên nhớ là trong Đạo Cao Đài khi quá vãng thì sẽ không có một linh hồn nào bị đọa xuống địa ngục vì chúng ta đang sống trong thời kỳ Đại Ân Xá. Tất cả các vong linh từng giữ đúng Tân Luật đều sẽ được tuần tự lên đến tầng Trời thứ chín là Tạo Hóa Thiên. Lúc đó, nếu công nhiều hơn tội thì ngươn linh tấn hóa sẽ được đi tiếp lên các tầng Trời 10, 11 và 12 là Hư Vô Thiên, Hội Ngươn Thiên và Hỗn Ngươn Thiên. Còn nếu tội lỗi nhiều hơn phước đức hoặc không tuân hành Luật Đạo lúc sinh thời, thì chơn thần thoái hóa sẽ được đầu thai xuống cõi trần hầu trả cho hết nghiệp quả, hoặc tiếp tục tu tập hầu lập công, bồi đức và trở về ngôi xưa, vị cũ. Đúng như mấy câu kinh Đức Cửu Nương Diêu Trì Cung ban cho:

“Cung Bắc Đẩu xem căn quả số,
Học triều nghi vào ở Linh Tiêu.
Ngọc Hư Cung sắc lệnh kêu,
Thưởng phong trừng trị, phân điều đọa thăng.”

Sở dĩ lúc đó tôi muốn chính mình tụng kinh là vì hai lý do đơn giản như thế nhưng bây giờ tình cờ được biết về ý nghĩa của việc tụng kinh cho người quy liễu thì tôi càng thấy việc làm của mình hóa ra lại hay ho. Tôi biết bài viết này đã khá dài nhưng vì lợi ích tâm linh rất lớn của việc tụng kinh mà lại do Đức Phạm Hộ Pháp giảng dạy nên tôi xin quý Huynh Tỷ Đệ Muội cố gắng đọc thêm một đoạn nữa. Trong “Những Câu Chuyện Trong Đạo” do tín hữu Tầm Nguyên sưu tầm có ghi lại một câu chuyện về “Đức Hộ Pháp dạy: Đi cầu siêu, đi dự đám tang phải đọc kinh cầu siêu”.

Câu chuyện được kể như vầy, “Khi Đức Hộ Pháp dự đám tang, dự lễ cầu siêu. Ngài thấy có nhiều người không đọc kinh. Sau đó Đức Ngài giảng ý nghĩa của kinh Cầu Siêu. Sự mầu nhiệm của kinh Cầu Siêu, sự huyền diệu của việc cầu siêu. Ngài dặn mọi người phải đọc một cách thành tâm khi dự đám tang.

Đức Hộ Pháp nói, mỗi khi kinh được đọc, thì âm thanh sẽ vang ra, mỗi người một âm thanh; tức là mỗi người phát ra một điển lực. nếu chơn linh người chết hạp với điển lực của người đó, họ sẽ nương nhờ vào mà giải trừ oan nghiệt và tội lỗi.

Vì người chết và tất cả những người đang dự đám tang có mặt tại đấy, biết đâu trong vô lượng kiếp trước giữa họ đã từng là những người chí thân, dẫy đầy oan nghiệt, dẫy đầy những nội tình mà người chết và ta chưa từng gặp lại để trả với nhau. Vậy mà hôm nay gặp nhau, nơi đấy, nơi cửa Đạo Cao Đài này, ta không biết họ là ai. Ta phải thành tâm cầu nguyện Đức Chí Tôn, Đức Phật Mẫu và các Đấng Thiêng Liêng ân xá và tha thứ tội tình cho họ được siêu thăng thoát hóa. Còn đối với riêng ta, thì ta cũng đang đi cầu siêu tức là ta cũng tha thứ cho họ nữa.

Được như thế, lần hồi cái nợ oan nghiệt, trái chủ của ta, của họ và của tất cả mọi người sẽ tự tiêu tan và kết thúc.

Cho đến một ngày nào đó, đến khi ta thoát xác, các bạn Đạo của ta cũng đến cầu nguyện và xin cho ta, và họ cũng tha thứ cho ta như ta đã tha thứ hôm nay cho những người mà ta đi dự đám. Cái ý nghĩa này mọi người nên biết để mỗi khi đi dự lễ cầu siêu là đừng quên đọc kinh với lời cầu nguyện chân thành cho người bạn thân yêu đang mong đợi”.

Hầu kết thúc bài viết này tôi xin mạn phép tóm tắt một ít ý kiến thô thiển của mình. Tôi nghĩ trong đạo Cao Đài không chỉ kinh Cầu Siêu mà cả những kinh khác, đặc biệt là các kinh Tận Độ do các Đấng Trọn Lành ban cho chúng sanh trong thời Đại Ân Xá này, nếu được càng nhiều người tụng thì càng ý nghĩa và hữu ích về tâm linh cho người quá cố. Giữa những người đồng môn mà việc tụng kinh còn thiết yếu như vậy, huống hồ gì giữa những người ruột thịt với nhau trong một kiếp sinh. Thoạt đầu tôi nghĩ học thuộc kinh và tụng kinh chỉ là một giải pháp tình thế cho nỗi xúc động mất Mẹ nhưng bây giờ tìm hiểu kỹ thì tôi thấy hai việc này rất đúng đắn và xứng đáng vì chúng rất phù hợp với Thiên Đạo và Thế Đạo.

Ngoài ra, tôi nghĩ rằng sự tận độ trong thời Đại Ân Xá này không hề có nghĩa là Đức Chí Tôn và các Đấng Thiêng Liêng hạ thấp các yêu cầu để “cứu vớt” càng nhiều vong linh càng tốt, mà chính yếu tố cấp bách của Long Hoa hội mới là nguyên nhân của sự chuyển đổi từ việc thực hành các pháp môn tu từ ngàn xưa sang việc tuân thủ Luật đạo Cao Đài, mà Đức Phật Thích Ca gọi là “Tùng thị Pháp điều Tam Kỳ Phổ Độ” trong Di Lạc Chơn Kinh. Từ đó, tôi suy ra rằng điều kiện để đắc đạo trong kỳ thứ ba hoặc thời Đại Ân Xá này không hề dễ hơn hai kỳ phổ độ trước. Bất kỳ một tín hữu Cao Đài nào muốn chơn linh được cứu vớt, độ thăng cũng đều phải dùng công sức, tài lực của mình để tạo âm chất lâu bền thì khi miên mật cầu niệm mới chứng đắc và thù thắng được. Chúng ta hiển nhiên không thể buông bỏ luật Đạo, chạy theo thỏa mãn những đòi hỏi của thất tình lục dục, rồi đến lúc gần chết thì mới tỏ ra thành tâm cầu niệm hầu được giải thoát, vì lúc đó nghiệp lực sẽ cản trở chúng ta. Nghiệp chướng chúng ta quá nặng thì chúng ta không thể nào có đủ bình tĩnh để niệm danh Đức Chí Tôn.

Hơn thế nữa, nếu có thường xuyên tu tập thì chúng ta mới củng cố niềm tin vào đạo pháp, vào Đức Chí Tôn và các Đấng Thiêng Liêng được; mà một khi có tin và cảm thì cầu niệm mới có linh ứng, bằng không thì “Thiên vũ tuy khoan, bất nhuận vô căn chi thảo. Phật môn tuy quảng đại, nan dung bất tín chi nhơn” (*). Chung.

Lê Phong
Sydney 25/08/2020
Kỷ niệm 1 năm ngày Mẹ nhập viện St George Hospital.

 


(*) Ghi chú:
Nghĩa là: Trời mưa rưới nước khắp nơi, song khó tươi nhuận cây cỏ không gốc. Cửa Phật tuy rộng thênh thang, mà vẫn khó độ kẻ chẳng lòng tin.

 

 


 

 

QUYỀN TỰ CHỦ

Ái Nhân

 

Chơn tánh trở về nơi chốn cũ,
Đầu nguồn vạn vật một dòng sanh.

Bài viết là những lời tâm tình nỉ non với những người bạn đồng sanh trên con đường Đạo, không mang một ý nghĩa dạy bảo khuyên răn. Mục đích của nó là truyền cảm hứng cho những người bạn trẻ đi tìm hồn Đạo trong ngôn ngữ qua nhiều mảnh đời.

Có thể đi từ cái nhân mà tôi may duyên hạnh ngộ. Sự gặp gỡ tình cờ mà cũng là hữu tình trong nghĩa Đạo. Dầu sự tao ngộ đó chỉ trên chữ nghĩa văn chương.

Người viết nầy xin được cảm ơn các bạn đã cho tôi một chất men với niềm cảm hứng, đi tìm hồn Đạo trong ngôn ngữ và lột bỏ lớp vỏ bộc ngôn ngữ để nhìn thấy được ý Đạo trong văn phong. Nẻo về của Tâm mở cánh cửa thương yêu trọn lành trong khối Thánh chất Chí Linh Hằng sống.

Xin cảm tạ một tấm lòng chơn tình cũng là chí tình trong cái duyên tri ngộ nơi cõi thế.

Đó là lời nói đầu của bài viết tôi xin được gợi ý đến các bạn quý mến thử nhìn về một góc nhỏ, rất nhỏ trong bức tranh kiếp sanh của chính mình.

Những người bạn quý mến của tôi!

Quyền Tự Chủ là làm chủ Chơn thần dục tấn trên con đường Thiêng Liêng Hằng Sống. Vì Chơn thần có khả năng chối tội rất cao trong một xác thân trần tục khi sống nơi cảnh đời gió bụi.

Kính cẩn cảm ơn vô cùng Đức Phật Mẫu đã ban cho Chơn thần hằng sống một xác thân thiêng liêng cao trọng.

Tôi đến nơi cõi trần nầy tuổi già không có nghĩa là lớn hơn các bạn. Vì con đường luân hồi tấn hóa không ai biết được mình đã trải qua bao nhiêu kiếp và đã đi đến đâu? Bao xa? Trên những chặng đường tầm Đạo học Đạo, tri hành của một hành giả nơi cửa Khổ Hiền.

Không một ai dám quả quyết điều ấy, mà chỉ có các bạn tự mở cánh cửa quyền năng đó nhìn thấy quả vị của chính mình. Rồi đi theo từng nghiệp lực trả vay tri khổ nghiệp chướng.

Các bạn đi đến cõi thế là một nhân duyên do bạn định trong quả nghiệp của nhiều tiền kiếp xa xưa. Mỗi ngày mở trang kịch bản nhìn lại chính mình. Bài học nhân quả! Nhìn nhân quả của các bạn đồng sanh làm bài học cho mình trên con đường tấn hóa. Học điều lành, tránh điều ác. Mỗi ngày một tinh tấn hơn, thiện lành hơn.

Trong một kiếp sanh các bạn hãy tập cho mình quyền TỰ CHỦ, có nghĩa là mình phải làm chủ với chính mình về mặt tinh thần đời sống. Mất đi cái quyền đó thì sẽ làm tôi tớ cho con ý mã phàm tánh, tùng theo nhơn dục.

Vì sao tôi quả quyết như vậy?

Đức Lý Giáo Tông đã từng dạy về quyền “Tự Do Dân Chủ” trong nền Đạo Cao Đài. (*)

Là một thứ quyền tự làm chủ và tự định số phận quả vị của mình trên con đường tấn hóa luân hồi.

Khi các bạn đạt được quyền Tự Chủ cho mình, thắng được tư dục của mình. Ngày giờ đó các bạn xây dựng một gia nghiệp nơi cõi thiêng liêng một di sản chí hiền chí thiện. Ngôi vị mà Thầy đã hứa dành sẵn cho mỗi con cái yêu quý của Thầy.

Bến giải thoát.

Đường Đạo dẫu còn xa lắm nỗi khó khăn mịt mờ gió bụi, các bạn hãy cố gắng đi đến đó bằng TÂM mà đạt Pháp. Chớ không phải đến đó bằng hình danh sắc tướng.

Xin gởi theo đây tấm chơn tình tri ngộ nơi cõi thế và lời chúc lành vui trong thuyền hạnh Tâm linh minh mẫn tìm về Đấng Chí Linh Tạo Hóa.

Là tấm lòng của người khách trần nơi cõi trần gởi khách đường xa vạn dặm!

Bước Đạo lần theo Xuân bóng xế,
Thuyền trần xuôi ngược gởi niềm riêng.

Tiết Mạnh Xuân xứ Úc, ngày 09-09-2020

Ái Nhân
Cẩn bút

 

(*) Ghi chú:
Tài liệu tham khảo thêm CÁC ĐÔI LIỄN - Tác giả: Nhóm sưu tầm và giải thích: - Huỳnh Văn Sinh - Chánh Trị Sự Bùi Thanh Xuân - Luật Sự Nguyễn Văn Thăng - Hiền Tài Nguyễn Văn Hồng.
Đôi Liễn Cao Đài Trang 11. Bản in PDF: CacDoiLien(v2011).pdf (http://caodaiebook.net/e-book-pdf/CacDoiLien(v2011).pdf).

 

 

 

TU CHƠN

Vào cõi tử sanh đắc quả hiền,
Bao nhiêu kiếp chuyển bấy nhân duyên.
Đường Tu chử dạ không tranh đoạt,
Bến giác trí khai tránh lợi quyền.
Học ở Chí Tôn lòng mẫn tuất,
Quyền năng giải thoát rạng chơn Tiên.
Phạm Môn duyên định về nguyên cội,
Đạt pháp Tu Chơn đắc quả hiền.

Mỗi ngày bớt một chút riêng tư,
Phàm tánh mỗi năm mỗi lúc trừ.
Còn lại Đức lành công quả đủ,
Tích thêm âm chất thiếu thành dư.
Thương Đời những trải tâm hòa ái,
Thương Đạo mong chan nghĩa chí từ.
Một kiếp còn xinh màu Thánh chất,
Đường trần thoát tục rạng chơn như.

Úc Quốc ngày rằm tháng 7 năm Bính Tuất.
DL 08-08-2006
Ái Nhân

 

 


 

 

Mừng Vía Đức Phật Mẫu

Jennifer Tran

 

During Mother’s Day, we are called to be grateful for our mothers and everything they have done for us.I remember the first time I ever failed a test. I felt so guilty after wards and I thought I would be yelled at for not studying enough. But instead, my mum did not yell. She gave me a hug, and said she was proud of me, that she still loved me. She probably does not remember, but I will never forget her kindness that first time.

But it’s not just that one thing I remember to be grateful for. It’s the small things: cutting me a bowl of fruit during a class, listening to me complain about work or remembering how I like my coffee. They are things she does without thinking and does not ever receive recognition for it. But I am eternally grateful for it. The love mothers give, and the love my mother gives is unprecedented, more than anyone else in the world. While I especially appreciate it on Mother’s Day, I should be letting her know every day, how grateful I am for her and how much I love her.

Everyone here in this world has a different mother, and so your experience of a mother’s love might be different to mine. Maybe your mother takes you to martial arts classes, or she taught you how to drive your first car. But it is that same love that they show that inspires us, inspires ME to buy her flowers, or take her out for dinner… or actually clean my room when she asks me.

But beyond this Earth, we ALL have a common mother, our spiritual mother. It is through HER: Đức Phật Mẫu, Đức Mẹ Maria, Đức Phật Quan Âm, that we are all united. The love she gives is different. She does not wash my clothes or cook food for me. It is a spiritual love that she gives. It makes me stronger in my faith and connects me to everyone else. Đức Phật Diêu Trì Kim Mẫu (Divine Mother) inspires me as well, but in a different way, to be a truly good person. She inspires me to help the sick and disabled, to visit the elderly, to volunteer my time and help. Because even though they might seem like strangers, or we might seem like strangers, we’re not. We’re all her children, and she is our blessed mother.

The 15th of July on the Lunar Calendar is a day that calls us to show love to BOTH these mothers and remember what they have done for us. Over the last 20 years of my life, my mum has done so much for me, more than I can express on this page. And even though my experiences are different to other people, it is also the same. Because when I look at other people, I do not see strangers. I see the same spiritual mother acting through them. I see her uniting us as her children, and I feel her calling out to us, inspiring us in the same way: to become really good people and to share the love we have into a world that needs it.

Kính mừng ngày Vía Đức Phật Mẫu, bà Mẹ Thiêng Liêng và chúc mừng đến tất cả quý bà Mẹ phàm trần ở Thế gian.

Jennifer Tran

 

 


 

 

Why mums deserve more compliments


By Vi Vu

 

A few years ago, during a blistering Sydney summer, with an afternoon to spare, I found myself accompanying my mum on her grocery shopping trip in Bankstown. It was bustling and crowded, loud but not necessarily jarring, like some sort of bizarre orchestra.In the heat haze, I was suffering. I was entirely covered with a slick layer of sweat and my mind was dazzled by the bewildering chaos of colours and sounds of merchants bargaining, competitive chess players shouting, pigeons cooing, cardboard boxes being unloaded and thrown aside, and laughter and music from the various outdoor cafes. My mum on the other hand was unfazed as she strolled along, completely dry despite the humidity, leisurely examining and picking fruits from the fruit boxes, smiling and waving to friends as they meandered by. Stumbling through the swarming streets, I followed my mum like a lost sheep following its shepherd home.

Although I am considered a local to Bankstown, I rarely venture into the marketplace for grocery shopping, where I risked getting lost in the hodgepodge of imported goods, local produce and endless rows of food vendors. My mum however, confidently perused the market with ease and provided me with valuable advice.

“Pick the mangoes with redcolour on the skin, its sweeter” she advised.

“You should mention to the fish vendor that you are making sashimi” she whispered to me. “But we’re not making sashimi mum” I whispered back. “I know, but that’s how you get the freshest fish” she grinned.

“Choose the narrow avocados, their seeds are much smaller” she informed.

Two hours later, nearing the end of our grocery shopping, I opted to take the grocery bags back to the car and wait there for my mum to finish off the few items remaining on our shopping list. Whilst sitting in the cool air-conditioned car, my senses began to readjust themselves. As I waited in the car, I was struck by a sense of sheer admiration for my mum and her never-ending wisdom.I felt frail and incompetent to my mum who was mightier and more clever than I was. There was no alternative but to accept my limitations and bow down to my mum’s impressive storage of knowledge and street smarts. I concluded that my mum knows everything and there must be nothing that my mum doesn’t know.

But as I grew up,my wide-eyed and naïve view of my mum was remoulded into something more realistic and human. Like everyone, my mum has weaknesses and flaws too. Recently, I revisited Bankstown markets with my mum on a grocery trip.I felt much more confident venturing to the Bankstown markets on my own and enjoyed the thriving business buzz, diverse surroundings(thanks to my mum) and surprisingly, I found myself exchanging some wise advice I had learnt over the years to my mum.

“When choosing fish, I read an article about how you should look at how white the eyes are” I mentioned to her.

“Make sure to check the expiry dates on a few of the same tins and choose the longer lasting one” she exchanged.

I even volunteered to part ways and split the grocery shopping list so that we could cover more ground. When my mum had returned from her venture, she came back gleaming and all smiles.

“Why are you so happy?” I asked.

“Oh, there’s a very nice man over there who sells herbal medicine for a very reasonable price. He always gives me compliments when I walk by” my mum grinned.

I thought about this for a moment. “He must be trying to coax you to buy what he’s selling!” I wisely advised her.

“No, not at all! He’s a very nice man”, she protested. “He said I looked very young and beautiful for my age” she boasted.

I eyed her suspiciously, “Where is his store then?”.

With her hands full holding a box twenty-four packages of herbal medicine (that we didn’t even need!), she pointed at the store.That day, I learnt a new valuable lesson about my mum: my mum may know a lot and might be very wise but forgets all when she is given a compliment. Now, whenever I make a mistake that I know I will get in trouble for, I always remember to compliment my mum before telling her what I did.

All jokes aside, at the end of the day, all mums deserve more compliments because they are our real-life superheroes. They raise us, love us and teach us how to navigate the world, and with any luck, we turn out to be great people thanks to their hard work. They’re the ones that give you life, give you unconditional love, selflessly sacrifice themselves to keep us going and and have our best interests at heart. This month is Mùa Trung Thu and Vía Đức Phật Mẫu, where we are reminded why we should respect and be grateful for our own mothers, who reflect the virtues and wisdom of the Holy Mother. So, this month, I would like to encourage you to show your mother your gratitude by giving them a compliment or two.

Vi Vu

 

Đức Phật Mẫu/The Buddha Mother/The Holy Mother/The Divine Mother and Caodaism

Caodaism can claim to honour many of the values we cherish in the modern world. The structure of the religion is designed to operate democratically, and there are two streams in the hierarchy of this faith; one male and one female. This, say Caodaists, guarantees equality between the sexes in worship and in the administration of their faith. The importance of singling out male and female qualities in the hierarchy is also reflected in the worship of the faith. Worshippers are divided into male and female streams as Caodaists stand before the altar. The ritual commences when these groups turn, acknowledge each other aqnd then face back to the altar. This ritual action recognises the yin and yang balance of the cosmos – one that is divided between female and male energy. This division has its ultimate manifestation in the two central deities of the faith. When Cao Dai created the universe, his first duty as the embodiment of “yang” or male energy was to create the yin or feminine force. In this way his consort, the Divine Mother, came into existence before the rest of existence was constituted.

 

Reference: Our Divine Mother of Carramar: The Australian Điện Thờ Phật Mẫu of Caodaism / By Christopher Hartney MMXIX.

 

http://www.daotam.info/booksv/English/OurDivineMother/OurDivineMother.html

 

 


 

 


Nước (H2O)

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

 

Nước là chất lỏng không mầu, không mùi có ở trạng thái tự nhiên trong lòng đất, ao hồ, sông, biển. Thực phẩm như rau trái, thịt cá cũng có một lượng nước đáng kể.

Về phương diện dinh dưỡng, nước là chất tương đối quan trọng hơn cả trong sáu nhóm chất dinh dưỡng cần cho sự sống của con người. Ta có thể nhịn ăn vài tháng nhưng không có nước thì chỉ mươi ngày là có nguy cơ tử vong.

Thành phần hóa học

Về cấu tạo hóa học, nước gồm hai phân tử Hydrogen và một phân tử Oxygen.

Thực ra, nguồn nước trong tự nhiên không hoàn toàn tinh khiết, mà luôn có pha lẫn một số chất khác. Tùy theo mức độ hiện diện của các chất này mà ta có nguồn nước mềm hay nước cứng:

* Nước cứng (Hard water) là nước có nhiều tạp chất như calci, magnesium, sắt, iod.

Nước cứng để yên thường lắng xuống nhiều cặn, có thể làm nghẹt ống dẫn nước, khi nấu nướng có thể để lại chất lắng trong nồi hoặc khi giặt rửa với xà bông thì không xủi bọt và thường để lại vết trắng trên quần áo.

Calci trong nước cứng đôi khi cung cấp tới 20% nhu cầu hàng ngày. Vì thế, dân chúng sống ở vùng nước cứng thường có bộ xương cứng chắc hơn.

* Nước mềm (Soft water) là nguồn nước tương đối ít tạp chất, có một ít natri, muối khoáng. Nước mềm không để lại cặn và khi dùng giặt rửa với xà bông thì sủi bọt nhiều.

Nguồn gốc nước uống

Nguồn nước uống có thể là nước ngầm dưới đất hoặc trong sông, hồ, suối… Tùy theo phẩm chất, nước uống có thể dùng ở dạng tự nhiên hay đã được chế biến.

a- Nước thiên nhiên:

Nước có thể bị ô nhiễm với cặn bã sinh vật, thảo mộc, hóa chất trừ sâu, phân bón, chất thải kỹ nghệ và làm thay đổi mùi vị cũng như độ trong suốt của nước.

Nước cần được khử trùng bằng chlor, đun sôi, hay lọc để diệt các vi sinh vật gây bệnh. Thông thường nhất là vi khuẩn Giardia Lamblia có nhiều trong nước suối, nước hồ, đôi khi vẫn còn sống sót dù đã qua khử trùng. Vi khuẩn này gây bệnh tiêu chẩy, đau bụng, mệt mỏi, ăn mất ngon.

Tại nhiều quốc gia, nước được tăng cường chất fluor để ngừa hư răng.
Sự fluor hóa được áp dụng đầu tiên vào năm 1945 tại thành phố Grand Rapides bên Hoa Kỳ và đã dẫn đến nhiều ý kiến trái ngược về sự có ích hoặc không có ích của nước có bổ sung fluor.

Nhưng kể từ ngày bổ sung fluor, tỷ lệ hư răng giảm xuống. Ngày nay fluor còn được cho thêm trong kem đánh răng hoặc viên để uống.

Các trường Y Nha khoa, các hiệp hội y học đều hỗ trợ và khuyến khích sự bổ sung khoáng fluor này.

Nhưng nếu fluor quá cao thì lại không tốt cho răng.

b- Nước đóng chai:

Ngoài nước diệt trùng bằng chlor, còn có nước đóng chai. Dạng nước này được khử trùng bằng chất ozone, một loại oxy mạnh (O3), đồng thời được pha thêm carbon dioxide và bổ sung một số khoáng chất. Do đó, nước đóng chai có mùi vị hấp dẫn hơn và cũng tốt hơn cho cơ thể. Dạng nước này rất tiện lợi nhưng giá thành khá cao so với nước thiên nhiên. Ngoài ra người ta cũng đóng chai các nguồn nước khoáng trong tự nhiên có chứa nhiều khoáng chất quý giá có lợi cho sức khỏe, chẳng hạn như nước khoáng Kim Bôi (Hòa Bình), nước khoáng Bang (Quảng Bình), nước khoáng Thạch Bích (Quảng Ngãi), suối khoáng Hội Vân (Bình Định), Vĩnh Hảo (Bình Thuận), Dục Mỹ (Nha Trang, Khánh Hòa)…

c- Nước ngọt có gas:

Kỹ nghệ sản xuất nước ngọt có gas cung cấp các loại nước ngọt có hương vị khác nhau nhưng nói chung đều bổ sung vào nước đã diệt trùng các chất như đường, chất tạo ga (carbonat) và các chất phụ gia tạo hương vị như caffein, caramel, chất tạo mầu hóa học, nước trái cây.

Sự tiêu thụ nước ngọt có ga ngày một gia tăng và là mối quan tâm của các nhà dinh dưỡng. Đã có nhiều nghiên cứu cho là dùng nhiều nước ngọt sẽ đưa tới phì mập, nhất là ở trẻ em.

Ngoài các loại nước uống, rau, trái cây và một số thực phẩm cũng cung cấp một lượng nước đáng kể. Có loại rau trái chứa tới trên 90% nước.

Sau đây là tỷ lệ nước trong một số thực phẩm:

Cần tây: 95%

Nấm 92%

Dưa hấu 92%

Rau broccoli 91%

Trái táo 84%

Nho 81%

Một điểm đặc biệt là nước cung cấp từ rau trái có nhiều khoáng chất hữu cơ mà cơ thể ta rất cần.

Vai trò của nước trong cơ thể

Nước chiếm khoảng 65% tổng số trọng lượng cơ thể. Một người cân nặng 60kg (khoảng 130 lb) có trên 45 kg ( gần 100lb) nước.

Tỷ lệ nước còn tùy vào độ tuổi: càng ít tuổi thì tỷ lệ nước nước càng cao. Bào thai 5 tháng có 85% nước, trẻ sơ sinh có 75%, và khi trưởng thành còn 65%.

Nhu cầu nước cũng cao hơn ở trẻ em so với người lớn tuổi.

Nước trong cơ thể phân phối theo hai khu vực chính:

1- Trong các tế bào chiếm từ 65% tới 80%;

2- Ngoài tế bào, như trong huyết tương (4%); ruột, bao tử (15%), ở mắt, não, khớp xương (2%).

Mỗi thành phần cơ thể lại có một tỷ lệ nước khác nhau tùy theo nhu cầu riêng của thành phần đó. Trong nước miếng 95%, dịch bao tử 95.5%, não có 86% nước, thận có 83%; xương có 22%; cơ tim có 79% nước.

Bắp thịt có nhiều nước hơn tế bào mỡ. Cho nên người có bắp thịt nở nang thì có nhiều nước hơn người béo phì. Và khi tế bào mỡ lên cao thì nước giảm xuống.

Chỉ cần thiếu hoặc dư nước chừng vài phần trăm là đã có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Nếu nước trong cơ thể giảm đến 20% thì tử vong có thể xẩy ra.

Phần lớn nước thừa được ra trong nước tiểu, số còn lại thoát ra trong mồ hôi, hơi thở, phân.

Khi cơ thể bình thường, lượng nước tiêu thụ cân bằng với nước phế thải khỏi cơ thể. Vì thế, khi uống nước nhiều thì ta sẽ đi tiểu nhiều và khi giảm uống nước, thì nước tiểu sẽ ít đi.

Trung bình một ngày người lớn cần bổ sung khoảng từ 2 tới 2.5 lít rưỡi nước theo đường ăn uống.

Nước được phân phối ở nhiều vùng khác nhau trong cơ thể, nhưng liên tục luân lưu qua sự thẩm thấu và hòa tan. Nước đưa vào cơ thể được ruột non hấp thụ, chuyển vào máu rồi từ đó được đưa đi khắp các mô, tế bào.

Nước có một số nhiệm vụ như:

a- Nước cần cho sự sống của mọi tế bào qua việc chuyên chở chất bổ dưỡng, chuyển hóa thức ăn và bài tiết những chất cặn bã của thức ăn cũng như từ các phản ứng sinh hóa học như dioxid carbon, ure, ammoniac.

b- Nước giữ nhiệt độ cơ thể bình thường tương tự như nước chứa trong bình tản nhiệt xe hơi. Chẳng hạn khi nhiệt độ trong cơ thể lên cao, vì nhiễm trùng sốt, vì đi trong nắng nóng, da sẽ đổ mồ hôi, làm giảm nhiệt độ trong người;

c- Nước làm chất “bôi trơn” để giảm cọ xát trong sự vận động các khớp xương;

d- Nước giúp các bộ phận cơ quan trong cơ thể hoạt động hữu hiệu và làm “chất đệm” để tránh sự cọ xát giữa cơ quan này với cơ quan khác;

e- Nước là môi trường trung gian qua đó cả ngàn phản ứng hóa học cần cho sự sống liên tục diễn ra trong cơ thể;

g- Nước chứa đựng nhiều khoáng, chất dinh dưỡng, kích thích tố, các diêu tố, tất cả theo một tỷ lệ cân bằng mà nếu có xáo trộn thì bệnh tật sẽ xẩy ra;

h- Nước giúp cơ thể loại chất phế thải, cặn bã từ sự tiêu hóa cũng như từ các phản ứng sinh hóa học như phân, carbon dioxide, urea, ammonia;

i- Nước là thành phần cấu tạo của mọi tế bào, mô và các chất dịch của cơ thể. Nếu không có nước thì sẽ không có nước miếng, dịch vị bao tử, mật để tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng.

Bởi vậy, nước rất cần cho cơ thể cho dù tự nó không cung cấp năng lượng. Điều may mắn là nước có sẵn trong tự nhiên ở khắp mọi nơi. Cơ thể chỉ thiếu nước khi ta thiếu hiểu biết và không quan tâm đến nhu cầu này. Trong thực tế, không ít người đã vô tình không uống đủ lượng nước mà cơ thể cần./.

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

 

Nguồn: https://khoahocnet.com/2017/01/05/bac-si-nguyen-y-duc-nuoc-h2o/

 

 


 

 


Uyên Trang phụ trách

BÁNH CHEESE NHẬT BẢN

Bánh bông lan phô mai Nhật Bản hay còn gọi là Japanese cheesecake, là một loại bánh rất được ưa chuộng ở khắp nơi trên thế giới. Bánh với kết cấu vừa ẩm đặc vừa mềm mịn, vì nguyên liệu chính là kem phô mai (cream cheese) nên hương vị của bánh có xen một chút chua và mặn, nhưng trên tổng thể vẫn là vị ngọt và béo rất cuốn hút - thơm nhưng không quá béo ngậy vì thế rất phù hợp với khẩu vị của người châu Á mình.

Mục gia chánh lần này mời các bạn cùng Uyên làm món bánh này nhé.

NGUYÊN LIỆU:

 

• 1 pack 250gr Philadelphia cream cheese.

• 180ml sữa tươi (full cream milk).

• 6 quả trứng gà lớn (loại 700gr), tách lòng đỏ và trắng riêng.

• 60gr bơ.

• 140gr đường loại mịn (caster sugar), chia ra làm đôi.

• 60gr bột mỳ đa dụng (self raising flour).

• 30gr bột ngô (corn starch).

• 1/2 teaspoon cream of tartar (giúp đánh lòng trắng trứng dễ dàng hơn.

• 2 muỗng cà phê nước cốt chanh + 1 ống vani.

Dụng cụ cần

• Khuôn spring form đường kính 20 cm hoặc khuôn tròn đường kính 20 cm, cao khoảng 10 cm.

• Một khay đựng nước vừa khuôn để hấp được khuôn bánh trong lò nướng.

CÁCH LÀM

a. Chuẩn bị cốt bánh:

• Chuẩn bị sẵn các nguyên liệu ra. Làm nóng lò ở nhiệt độ 175oC.

Hỗn hợp số 1:

• Cho cream cheese, sữa, bơ vào một cái bát để vừa vào một cái nồi. Đun nước sôi trong nồi rồi đặt bát có các hổn hợp cream cheese lên trên miệng nồi để làm thành nồi đun cách thuỷ. Dùng spatula (thìa gỗ) từ từ đảo dần cho các nguyên liệu nóng và tan chảy hoà quyện.

• Cho ½ phần đường vào + nước cốt chanh + vani, tiếp tục đánh cho tới khi mọi thứ hoà quện hết vào nhau. Không cần đánh mạnh mà chỉ cần để cho các nguyên liệu tan hoà vào nhau là được.

• Bắc xuống bếp để ít nhất 10 phu cho bát phô mai, bơ, sữa nguội một chút rồi mới đánh từng lòng đỏ trứng vào. Dùng phới lồng (đồ đánh trứng bằng tay) đánh mạnh tay cho trứng hoà tan là được. Tiếp theo vừa lọc bột qua rây vừa đánh đều lên cùng bát hỗn hợp nguyên liệu. Ta được bát hỗn hợp số 1.

Hỗn hợp số 2:

• Lấy lòng trắng ra dùng máy đánh trứng đánh. Đánh cho tới khi hơi lên bọt thì cho cream of tartar vào, tiếp tục đánh và từ từ cho nốt ½ phần đường còn lại vào. Đánh cho tới khi nào thành kem bông lên là được.

Lưu ý - Nhấc đầu đánh trứng lên thấy kem lòng trắng trứng đứng ngọn, không rơi là đạt.

• Múc từ từ 1/3 chỗ kem hỗn hợp số 2 vào hỗn hợp số 1, rồi lấy stapula nhẹ nhàng trộn vào. Lưu ý, trộn từ từ cho hòa quện, rồi tiếp tục cho hỗn hợp số 2 vào cho tới hết. Không nên làm mạnh quá thì sẽ làm hỗn hợp số 2 bị xẹp và cũng ảnh hưởng tới độ nở của bánh.

• Đổ hỗn hợp cốt bánh vào khuôn và chuẩn bị nướng. Sau khi đổ xong, đập nhẹ khuôn xuống một chút cho bong bóng không bị nổi nhiều.

b. Nướng bánh:

• Bánh này được nướng theo phương pháp hấp cách thuỷ nhé.

• Đun 1 ấm nước sôi. Đặt khuôn chứa nước vào lò rồi rót nước nóng vào lò đã được làm nóng. Đổ ngập nước khoảng 1/3 – 1/2 khay. Đặt khuôn bánh vào khay nướng.

• Nướng trong khoảng 45-50 phút.

• Sau khi nướng xong, thì mở lò và để bánh nguội yên trong lò như vậy khoảng 30 phút. Làm như vậy sẽ giảm bớt được độ xẹp của bánh. Bánh hoàn toàn không dùng bột nở nên chắc chắn bánh sẽ xẹp đi ít nhiều nhé các bạn.

• Lấy bánh ra khỏi khuôn, có thể ăn ngay hoặc cho tủ lạnh để mát lạnh rồi hẵy cắt ra thưởng thức.

LƯU Ý

1. Nhiệt độ và thời gian nướng bánh có thể được điều chỉnh tuỳ thuộc vào lò của mỗi người khác nhau.

2. Bánh nướng xong chắc chắn sẽ xẹp đi ít nhiều vì vậy các bạn đừng lo lắng và thất vọng khi lấy bánh ra khỏi lò thấy hơi nhăn nhúm và sợ kết cấu bánh bị hỏng nhé. Phải cắt bánh ra mới biết chính xác bánh có thành công hay không nữa ;)

Chúc các bạn thành công và có được một cuối tuần vui vẻ bên người thân yêu nhé. ♬♬♬

 

 


 

 


 


Uyên Trang sưu tầm

 

Ruồi Đực Ruồi Cái

Bà vợ bước vào bếp thấy chồng đang cầm cái đập ruồi.

- Ông đang làm gì vậy?

- Đập ruồi.

- Có bắt được con nào không?

- Hai con đực, ba con cái.

Bà vợ cười hỏi:

- Làm sao mà ông biết?

- Thì hai con đực đậu trên miệng lon bia, con ba con cái đậu trên chiếc điện thoại.

 

Nổ Thì Sao

Hai anh cảnh sát đi tuần thấy ba trái lựu đạn trên đường phố. Họ quyết định đem lên xe, đưa về đồn. Anh cảnh sát trẻ lo lắng hỏi:

- Lỡ đi dọc đường nó nổ một trái thì sao đại ca?

Anh cảnh sát già trả lời có vẻ rành đời hơn:

- Chú mày lo gì, nếu nó nổ một trái thì về đồn chỉ bảo là nhặt được hai trái thôi!

 

Trả Giá Với Chúa

Trong vườn hoa nhà thờ, linh mục đang đi dạo với một thương gia. Một giáo đồ trẻ đi phía sau. Câu chuyện giữa linh mục và vị thương gia có vẻ rất hấp dẫn, nhà buôn trả giá:

- 5 vạn đôla!

- Không được!

- 10 vạn đôla!

- … … (Im lặng)!!

- Thôi được, 50 vạn vậy nhé!

Linh mục vẫn không chấp thuận, vị khách lắc đầu rút lui. Giáo đồ trẻ vội bước đến trước mặt vị linh mục nói:

- Thưa cha, 50 vạn đôla là một con số không nhỏ đâu! Sao cha lại từ chối?

- Nhưng con có biết yêu cầu là gì không? Ông ấy đề nghị ta mỗi lần giảng đạo xong không nói "Amen", mà nói "Cocacola".

 

Làm Bài Cho Kịp

- Thầy: Tục ngữ có câu: “Có công mài sắt có ngày nên kim”. Các trò về suy nghĩ, phân tích và lấy ví dụ thực hành mai nộp cho thầy.

- Thầy: Cò! Em làm gì vậy?

- Cò: Thưa thầy. Con đang mài cây sắt để kịp ngày mai nộp cho thầy cái kim ạ.

 

 


 

 


 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

 


 

 

Chủ trương của Bản Tin Hòa Hiệp

Bản Tin Hòa Hiệp: Phổ biến tin tức Đạo sự gần xa; liên lạc, trao đổi kinh nghiệm hiểu biết; học hỏi, hợp tác thân hữu với các Tôn Giáo bạn, các Đoàn Thể xã hội, nhằm đáp ứng nhu cầu và mục tiêu hướng thượng, nhằm phục vụ không biên giới cho Đạo lẫn Đời.

Bản Tin Hòa Hiệp: Xin đón nhận mọi ý kiến đóng góp xây dựng, bài vở với bất kỳ thể loại; ưu tiên trong lãnh vực biên khảo, nghiên cứu đạo giáo, triết học, khoa học kỹ thuật, văn học nghệ thuật phục vụ nhân sinh của chư vị thức giả đạo hữu, đạo tâm... miễn nội dung không nhằm mục đích: làm diễn đàn chính trị, bài kích cá nhân, tập thể; kỳ thị dưới mọi hình thức; gây chia rẽ nội bộ; đi ngược lại tôn chỉ, mục đích và đường lối của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Tòa Thánh Tây Ninh.

 

CHỦ TRƯƠNG: Tộc Đạo Sydney.
CHỦ BÚT: Quyền Đầu Tộc Đạo Hiền Tài Nguyễn Thành Nghiệp.
BAN BIÊN TẬP: Bạch Sỹ - Thanh Nguyên - Hồng Ngọc - Ái Nhân - Tiểu Hương - Lê Phong - Song Kha - Trần Nguyên Đức - Bình Minh - Uyên Trang - Đức Nhân - Mộc Lan - Nguyên Chương.
TRÌNH BÀY & IN ẤN: Huỳnh Trọng - Trần Đại Thiện - Trần Lê Phong.

 

CAODAI TEMPLE OF NEW SOUTH WALES
HOA HIEP - VIETNAMESE NEWSLETTER
114-118 King Georges Road  WILEY PARK NSW 2195 - AUSTRALIA
Phone & Fax: + 61 2 9740 5678
Email: thanhthatnsw@yahoo.com.au ; thanhnghiep.caodai@yahoo.com.au